Giảm sốc thiết vị bếp
Bệnh tiểu đường có chữa được không? Điều trị và cách phòng ngừa như thế nào?
16-09-2024 16:50:33 | Bệnh Tiểu Đường

Tiểu đường là bệnh lý mãn tính liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể, mất rất nhiều thời gian điều trị để đưa đường huyết về ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu thì việc chữa trị sẽ dễ dàng và đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều.

1. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ và có những diễn biến bệnh rất khó lường. Khi bạn cảm thấy buồn nôn, khát nước, đi tiểu nhiều, gầy sút cân nhiều không rõ nguyên nhân, chân tay tê bì, có những vết thương lâu lành,... người trẻ cần chủ động đến ngay cơ sở ý tế để kiểm tra, vì đó có thể là một trong những triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường mà rất dễ bỏ qua.

Bệnh tiểu đường có thể xảy ra bất cứ ở đối tượng nào và đối với cả bệnh tiểu đường typ1 và typ2. Bạn có thể gặp một hoặc nhiều dấu hiệu báo hiệu liên quan đến bệnh tiểu đường. Nếu bạn nghi ngờ, hãy đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa và là bệnh lý mãn tính

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị bệnh tiểu đường cần phải đi khám ngay. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nói về các triệu chứng bạn gặp phải, gia đình bạn đã có ai mắc bệnh tiểu đường, các loại thuốc đã uống và các dị ứng bạn gặp phải. Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, bác sĩ sẽ quyết định làm cho bạn một số xét nghiệm. Có một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tiểu đường:

  • HbA1C: Xét nghiệm này cho thấy mức đường huyết liên tục của bạn trung bình trong 2 hoặc 3 tháng qua. Xét nghiệm này không yêu cầu bạn phải nhịn ăn hay uống bất cứ thứ gì.
  • Đường huyết lúc đói (FPG): Bạn sẽ cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi thử nghiệm này.
  • Dung nạp glucose đường uống (OGTT): Thử nghiệm này mất từ ​​2 đến 3 giờ. Mức đường huyết của bạn được kiểm tra ban đầu và sau đó lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian 2 giờ sau khi uống một loại đồ uống ngọt cụ thể.
  • Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên: Bạn có thể làm xét nghiệm này bất cứ lúc nào và không cần phải nhịn ăn.

2. Các phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh tiểu đường 

Cho đến thời điểm hiện tại thì khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh tiểu đường với 3 liệu pháp mới sau đây:

2.1. Cấy ghép tuyến tụy:

Phương pháp này có thể được sử dụng trong điều trị cho những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1. Nếu cấy ghép thành công thì tuyến tụy mới sẽ giúp cơ thể người bệnh khôi phục lại chức năng kiểm soát đường huyết. Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 1.300 trường hợp bị tiểu đường tuýp 1 được ghép tụy thành công và 83% trong số đó không cần phải bổ sung insulin trong vòng 1 năm sau phẫu thuật.

Tuy vậy, phương pháp này có nhược điểm là nguồn tuyến tụy được hiến rất khan hiếm và bệnh nhân phải duy trì việc dùng thuốc chống đào thải suốt đời đã khiến họ phải đối mặt với nhiều vấn đề khác về sức khỏe khác. 

Hiện nay chưa thể chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường

2.2. Liệu pháp cấy ghép tế bào beta của tiểu đảo tụy:

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tiểu đường đó là sự suy giảm chức năng của các tế bào beta. Thực hiện liệu pháp cấy ghép tế bào beta của tiểu đảo tụy cho phép cơ thể có khả năng cảm nhận được hàm lượng đường có trong máu, từ đó kích hoạt sản xuất ra lượng insulin phù hợp để cân bằng lượng đường huyết.

Mặt trái của phương pháp này đó là sau khi cấy ghép tế bào beta, bệnh nhân phải kết hợp các loại thuốc khác nhau để tránh tình trạng cơ thể đào thải tế bào nên chỉ có khoảng 8% người bệnh được ghép tiểu đảo tụy có thể duy trì được lượng đường huyết ổn định.

2.3. Liệu pháp tế bào gốc:

Cơ thể người bệnh sẽ được cấy ghép tế bào gốc để dần dần phát triển thành các tế bào beta. Nghiên cứu có kết quả bước đầu cho thấy đây là liệu pháp có tiềm năng khi giúp cải thiện quá trình trao đổi glucose cũng như tăng độ nhạy của insulin một cách rõ rệt.

Nhìn chung các phương pháp trên vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm nhưng cũng phần nào cho thấy đây cũng là những bước tiến đáng kể đem lại hy vọng chữa khỏi bệnh tiểu đường trong tương lai.

3. Nếu mới bị bệnh tiểu đường có chữa được không?

Hiện nay cả tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 đều chưa có khả năng được chữa khỏi hoàn toàn cho dù bệnh nhân mới mắc hoặc đã mắc từ lâu do tính chất phức tạp của nguyên nhân gây ra bệnh.

Đối với tiểu đường tuýp 1, do nơi sản xuất ra insulin là đảo tụy bị phá hủy không thể tiết ra insulin được nữa nên để chữa khỏi bệnh hoàn toàn thì chỉ phụ thuộc vào việc cấy ghép.

Còn đối với tiểu đường tuýp 2, không chỉ đơn thuần là lượng đường trong máu tăng cao mà chính là tình trạng rối loạn chuyển hóa cấp phân tử tế bào. Trong trường hợp người bệnh phát hiện bị tiểu đường ở giai đoạn sớm (tiền tiểu đường) và điều chỉnh tích cực bằng việc chăm chỉ luyện tập thể dục, ăn uống lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định thì có thể chữa khỏi. Tuy nhiên khi sang đến giai đoạn muộn tức là đã trở thành tiểu đường tuýp 2 thì rất khó điều trị dứt điểm. Bởi vì lúc này tình trạng kháng insulin và tuyến tụy bị suy kiệt kết hợp với những rối loạn chuyển hóa khác trong cơ thể sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết và nguy cơ biến chứng rất cao. 

Bệnh nhân tiểu đường sẽ cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ

Mặc dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng những người bị tiểu đường vẫn có thể kiểm soát được bệnh và hạn chế rủi ro biến chứng bằng việc áp dụng một lối sống lành mạnh và kết hợp uống thuốc hạ đường huyết cũng như các phương pháp hỗ trợ khác.

4. Giải pháp hỗ trợ điều trị tiểu đường 

4.1. Điều chỉnh lối sống khoa học, lành mạnh

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, bệnh nhân có thể kiểm soát được lượng đường trong máu, duy trì ở mức cho phép và hạn chế nguy cơ tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm bằng các cách sau:

  • Áp dụng chế độ ăn uống khoa học như tăng cường ăn những món giàu chất xơ, cắt giảm lượng carbohydrate và chất béo trong các thực phẩm nhiều đường và tinh bột;
  • Giữ một trọng lượng cơ thể vừa phải: nếu bị béo phì thì bệnh nhân nên có kế hoạch giảm cân, sau đó duy trì ở mức độ hợp lý với chỉ số BMI từ 18 - 23 đối với nữ và 20 - 25 đối với nam;

 

Người bị tiểu đường cần áp dụng một chế độ ăn lành mạnh

  • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao: người bệnh nên rèn luyện thể chất ít nhất từ 30 - 60 phút/ngày với các bài tập có cường độ vừa phải như bơi lội, đạp xe, đi bộ,...trong 5 ngày/tuần;
  • Giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ: stress cũng là nguyên nhân khiến cho đường huyết tăng cao. Chính vì thế, bệnh nhân tốt nhất nên ngủ đủ giấc, từ bỏ thuốc lá, thư giãn, ngủ đúng giờ và đủ giấc để làm giảm quá trình stress oxy hóa giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

4.2. Tuân thủ liệu trình dùng thuốc

Theo hướng dẫn điều trị bệnh tiểu đường của Bộ Y tế thì lựa chọn chủ yếu để chữa tiểu đường tuýp 2 đó là nhóm thuốc Sulfonylurea (biệt dược Predian, Diamicron,...) và Biguanid (Glucophage, Metformin). Những trường hợp sau thường sẽ áp dụng điều trị bằng thuốc tiêm:

  • Tiểu đường tuýp 1;
  • Bệnh nhân bị suy gan, suy thận;
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú;
  • Đường huyết ≥ 300 mg/dl, HbA1c ≥ 10%;
  • Nhiễm toan ceton, chuẩn bị thực hiện phẫu thuật.

Lưu ý: bệnh nhân tiểu đường khi dùng thuốc cần có sự chỉ định, hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, dùng đơn thuốc của người khác hoặc uống sai hướng dẫn cũng như mục đích sử dụng.

Như vậy, bệnh tiểu đường có chữa được không còn tùy thuộc vào lối sống và cách sử dụng thuốc của bệnh nhân. Nếu xuất hiện bất thường trong quá trình điều trị, người bệnh nên thông tin ngay cho bác sĩ và nên tái khám định kỳ theo lịch hẹn.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo