Giảm sốc thiết vị bếp
Viêm da cơ địa: nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa
26-05-2023 17:01:22 | Bệnh về da

Viêm da cơ địa là một chứng viêm da, ngứa mãn tính. Bệnh lý này có thể đi kèm với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng... Các triệu chứng của viêm da cơ địa thường khởi phát rất sớm, ngay từ tuổi sơ sinh, có thể tiếp tục đến lúc trưởng thành hoặc cũng có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong đời.

1. Làm thế nào để nhận biết viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào nhưng thường gặp là vùng bàn tay và các nếp gấp (gấp khoeo chân, gấp khuỷu tay...). Các triệu chứng rầm rộ từng đợt rồi thuyên giảm và sau một thời gian sẽ lặp lại. Chính vì vậy, bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

Viêm da cơ địa thường tiến triển thành từng đợt, trong đợt cấp tính, người bệnh thấy một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ ngứa đôi khi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Khi bệnh lui dần, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.

Do ngứa nhiều người bệnh phải gãi, vùng da bệnh rất dễ bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, tổn thương sẽ sưng viêm, tiết mủ đục, có mùi hôi. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài sẽ khiến da dày lên. Đặc điểm da của người bệnh viêm da cơ địa thường khô, nứt nẻ.

Viêm da cơ địa có thể gặp ở nhiều vùng da trên cơ thể

2. Nguyên nhân gì gây viêm da cơ địa?

Hiện tại, chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra nguyên nhân chính xác gây ra viêm da cơ địa. Tuy nhiên, các chuyên gia y khoa khẳng định rằng cơ chế khởi phát bệnh liên quan trực tiếp đến yếu tố cơ địa và hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch.

Nhóm nguyên nhân điển hình gây ra bệnh viêm da cơ địa gồm:

  • Di truyền: 80% các trường hợp viêm da cơ địa được ghi nhận có liên quan đến yếu tố di truyền. Trong gia đình, nếu bố hoặc mẹ bạn có tiền sử mắc bệnh dị ứng (viêm da dị ứng, viêm xoang...) thì khả năng cao bạn sẽ gặp tình trạng tương tự.
  • Cơ địa: Cơ địa là yếu tố chính khởi phát bệnh viêm da cơ địa. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh, các nhà khoa học đều nhận thấy có sự bất thường ở gen và vai trò kháng thể lgE (một loại kháng thể “dị ứng”)
  • Nhiễm tụ cầu vàng: Một số nghiên cứu chỉ ra, độc tố từ tụ cầu vàng có vai trò kích thích tế bào Lympho T, đại thực bào, làm tăng kháng nguyên trong huyết tương và qua đó phát sinh triệu chứng lâm sàng của viêm da cơ địa.
  • Dị nguyên: Tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên như côn trùng, hoá chất, khói thuốc, lông thú, len dạ hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, bột mì... có thể khiến cơ thể kích thích sản xuất kháng thể lgE, tăng đáp ứng viêm và khởi phát các triệu chứng viêm da.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số yếu tố sau có thể khiến viêm da cơ địa nặng hơn hoặc tái phát:

  • Môi trường: Khói bụi, ô nhiễm, không gian chứa hóa chất cũng là một trong các tác nhân gây ra triệu chứng viêm da cơ địa.
  • Thời tiết: Tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng sang lạnh khiến cơ thể không kịp thích nghi có thể dẫn đến các triệu chứng viêm da bùng phát. Theo ghi nhận, viêm da cơ địa thường dễ khởi phát và diễn tiến nặng hơn vào mùa đông. Nguyên nhân là do thời tiết khô lạnh làm da mất nước, màng lipid trên bề mặt da bị phá vỡ và suy giảm chức năng bảo vệ. Qua đó, dị nguyên dễ dàng xâm nhập, kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch và gây bùng phát viêm da cơ địa.
  • Yếu tố nội sinh: Viêm da cơ địa có xu hướng diễn tiến nặng hơn khi gặp các yếu tố như hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn nội tiết tố, căng thẳng, trầm cảm.

Viêm da cơ địa gây da quá khố và dễ bị kích thích

3. Dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa

3.1. Nhận biết viêm da cơ địa cấp - mãn tính

Triệu chứng viêm da cơ địa có sự khác nhau rõ rệt giữa giai đoạn cấp tính và mãn tính:
3.1.1. Giai đoạn cấp tính

  • Các vùng ban dát đỏ không có ranh giới rõ ràng hoặc đám sẩn đỏ xuất hiện trên da
  • Vùng da tổn thương có thể xuất hiện mụn nước nhỏ, li ti, rỉ dịch và không có vảy da
  • Da sẽ có hiện tượng phù nề và đóng vảy tiết sau đó
  • Da có thể bị loét, bội nhiễm nếu cào gãi mạnh, thường xuyên
  • Các vùng xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn cấp tính thường là cằm, má, trán.
  • Trường hợp nặng, tổn thương da có thể lan rộng ra tay và khắp cơ thể.

3.1.2. Giai đoạn mãn tính

Nối tiếp các triệu chứng cấp tính, bệnh sẽ chuyển sang bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không rỉ dịch hay phù nề. Giai đoạn này tương đối mờ nhạt, dấu hiệu không quá rõ ràng và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. 

Tổn thương da phát triển đến một mức độ nhất định sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Các triệu chứng điển hình như sau:

  • Các vùng ban dát sẩn có xu hướng dày hơn, thâm nhiễm và tạo ranh giới so với vùng da xung quanh
  • Xuất hiện các vết nứt da gây đau rát và chảy máu, hiện tượng liken hoá (hằn cổ trâu)
  • Tổn thương tập trung tại các vùng có nếp gấp lớn, ngón chân, ngón tay, gáy, lòng bàn tay, lòng bàn chân...

3.2. Nhận biết viêm da cơ địa qua độ tuổi

Viêm da cơ địa còn có sự khác biệt về triệu chứng theo độ tuổi. Như đã nói, đây là bệnh da liễu có khoảng 60% ca bệnh khởi phát ở những năm tháng đầu đời (1-12 tháng tuổi), 30% từ 1 đến 6 tuổi và dưới 10% phát bệnh trên 6 tuổi.

3.2.1. Viêm da cơ địa ở trẻ em

  • Viêm da cơ địa ở trẻ em thường đi kèm với hiện tượng viêm kết mạc dị ứng hoặc đục thuỷ tinh thể
  • Độ tuổi thường gặp gồm trẻ em (2-3 tuổi) và thanh thiếu niên (12-20 tuổi)
  • Triệu chứng điển hình: Da dày sừng, thâm nhiễm, có vết nứt
  • Khu vực tổn thương da: Vùng có nếp gấp và tỳ đè như đầu gối, khuỷu tay, mặt duỗi các chi.

3.2.2. Viêm da cơ địa ở người lớn

  • Viêm da cơ địa ở giai đoạn này thường có diễn tiến mãn tính, dai dẳng và tái phát định kỳ
  • Triệu chứng điển hình: Mảng lichen hoá đi kèm hen suyễn hoặc sốt cỏ khô.
  • Khu vực tổn thương da: Tập trung ở bàn tay, bàn chân và các kẽ lớn.
  • Viêm da cơ địa ở phụ nữ có thể gây ra viêm môi, viêm núm vú.

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu có đặc trưng tiến triển trong thời gian dài và tái phát nhiều lần. Các triệu chứng tạo thành vòng xoắn (ngứa - gãi - tổn thương da - ngứa). Thống kê chỉ ra, khoảng 50% ca bệnh khỏi hoàn toàn khi đến tuổi thiếu niên. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp “sống chung” với bệnh trong nhiều năm, thậm chí là cả đời.

4. Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?

Do viêm da cơ địa biểu hiện thành từng đợt sau đó tự thuyên giảm, với thể nhẹ đa số không gây ra biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngứa và phải gãi nhiều, móng tay dài, nhọn và kém vệ sinh có thể gây nhiễm trùng da. Cấu trúc vùng da bị phá vỡ, lở loét và vết nứt da bị lây nhiễm bởi chủng vi sinh vật thường trú trên da hay cả vi khuẩn ngoại lai. Do đó, khi vết thương trên da lành lặn trở lại có thể để lại sẹo xấu, gây mất thẩm mỹ.

Trường hợp bị bội nhiễm thêm virus gây hội chứng Kaposi-juliusberg (hay eczema herpeticum) khá nặng nề, biểu hiện có sốt, mệt mỏi, mụn nước trên da, tổn thương nội tạng... tỉ lệ tử vong từ 1-9%.

Ngoài ra, do bệnh lý mạn tính kéo dài nhiều năm, nếu điều trị sai, lạm dụng các thuốc bôi hoặc uống có Corticoid có thể dẫn đến tình trạng đỏ da toàn thân. Toàn thân người bệnh đỏ, có thể có những đợt sốt, rét run, ngứa thường xuyên...

Viêm da cơ địa ở vùng da xung quanh mắt làm cho người bệnh khó chịu, ngứa, da quanh mắt thâm do gãi thường xuyên ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Do gãi nhiều gây các vết xước trên da có thể nhiễm trùng. Các biến chứng mắt bao gồm chảy nước mắt liên tục, viêm mí mắt và viêm kết mạc. Nếu nghi ngờ biến chứng mắt, cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

5. Làm gì khi mắc viêm da cơ địa?

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm da cơ địa như đã trình bày, nên đến thăm khám chuyên khoa Da liễu để xác định bệnh cũng như loại trừ các chẩn đoán khác. Khi đi khám, nên cho bác sĩ biết các dấu hiệu khó chịu như thế nào, bệnh bắt đầu diễn ra và kéo dài bao lâu.

Ngoài ra, cũng cần nêu lên bất kỳ yếu tố nào cho rằng làm khởi phát bệnh, như thay đổi thời tiết, dùng xà phòng, ra mồ hôi, khói thuốc lá... Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần biết bạn có dị ứng thức ăn hay có bệnh lý dị ứng nào hay không, gia đình có ai bệnh tương tự hay không.

6. Cách chữa viêm da cơ địa như thế nào?

Mục đích điều trị viêm da cơ địa là để giảm viêm, giảm ngứa và ngăn chặn các cơn bùng phát trong tương lai, tránh biến chứng. Theo đó, các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định chi tiết như sau:

Kem chống ngứa: Dùng bôi vào vùng da có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ngứa quá nặng và ảnh hưởng đến sinh hoạt, đôi khi phải cần đến thuốc kháng histamine đường uống. Với các thuốc chống dị ứng gây buồn ngủ, bác sĩ thường kê cho uống buổi tối.

Kem dưỡng ẩm: Phối hợp với kem chống ngứa làm giảm thiểu triệu chứng khó chịu. Ngoài những cơn cấp, cần thường xuyên dưỡng ẩm da, mềm da khi thời tiết lạnh và khô, tránh để da nứt nẻ sẽ làm dễ gây ngứa.

Kem kháng viêm: Hạn chế phản ứng viêm tại chỗ quá mức khiến triệu chứng thuyên giảm hơn, da bớt mẩn đỏ, sưng, ngứa. Tuy nhiên, nên hạn chế bôi kem kháng viêm khi đã bớt ngứa và tăng cường các liệu pháp tự chăm sóc khác như làm ẩm da, mềm da cũng giúp kiểm soát viêm da cơ địa mức độ nhẹ thay vì dùng thuốc. Vì nếu dùng kéo dài kèm kháng viêm sẽ gây tác dụng phụ như làm đổi màu da, mỏng da, mọc lông và dễ làm da nhiễm trùng hơn. Các kem kháng viêm có corticoid chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tùy vào tính chất tổn thương, bác sĩ sẽ kê dạng hoạt chất từ nhẹ đến nặng.

Kháng sinh: Trong trường hợp người bệnh có nhiễm trùng da thì việc điều trị cần bổ sung thêm kháng sinh trong một thời gian ngắn để điều trị nhiễm trùng. Đồng thời, nếu vết thương hở và chảy dịch, người bệnh cần đắp gạc, vệ sinh và thay băng mỗi ngày để tránh bội nhiễm.

Nên đi thăm khám sớm để được điều trị hiệu quả

Hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát: Nhiều bệnh nhân lo lắng viêm da cơ địa có lây không vì sợ đã bị lây từ người khác hay lo ngại sẽ lây cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, bệnh do cơ địa của từng người nên hoàn toàn không lây nhiễm.

Theo đó, việc cần làm là hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát:

  • Tránh thức ăn dễ gây dị ứng, vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn, gối, nệm, thảm và màn cửa thường xuyên, tránh khói thuốc lá và môi trường bụi bặm.
  • Tắm không quá lâu; mỗi lần tắm, giới hạn trong 15 - 20 phút và sử dụng nước ấm hơn là nước nóng.
  • Nên dùng một loại nước hoa, xà phòng cố định và có tính tẩy rửa nhẹ nhàng; nếu muốn thay đổi, nên thử trên một vùng da mỏng trước để xem có gây kích ứng hay không.
  • Hạn chế gãi da đến mức tối thiểu; đối với trẻ nhỏ, cần cắt móng tay và đeo găng tay vào ban đêm.
  • Khi trời nóng, cần mặc quần áo thoáng mát. Khi trời lạnh và khô, cần dưỡng da với các loại kem, sáp giữ ẩm. Uống đủ nước.

Các biện pháp điều trị khác

Chữa bằng mẹo dân gian tại nhà

Sử dụng nguyên liệu tự nhiên nấu nước tắm, giã thành hỗn hợp đã trở thành phương pháp trị viêm da phổ biến từ xa xưa. Đến nay, cách này vẫn được nhiều người áp dụng hiệu quả.

Một số loại nguyên liệu thường được sử dụng chữa viêm da cơ địa:

  • Lá khế: Lá khế có tính ngọt, chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ làm sạch da và phòng ngừa nhiễm khuẩn. Chuẩn bị một ít lá khế tươi, đem rửa sạch rồi phơi khô. Nấu lá khế với khoảng 5 lít nước, đợi sôi rồi bắc ra để nguội. Tắm trực tiếp lên da.
  • Lá trầu không: Lá trầu không là nguyên liệu có tính kháng viêm, khả năng tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả. Chuẩn bị một nắm lá trầu không rửa sạch, đem giã nát. Đắp hỗn hợp lên vùng da bị bệnh. Kiên trì thực hiện từ 7-10 ngày sẽ cải thiện được các triệu chứng trên da.
  • Cây ngải dại: Ngải dại là vị thuốc có tính kháng viêm, có công dụng sát khuẩn và giảm ngứa ngáy. Sử dụng một nắm lá ngải dại rửa sạch, cho vào sắc với khoảng 5 lít nước, thêm vài hạt muối. Lấy phần nước đun sôi hoà với nước ấm để tắm, vệ sinh các vùng da tổn thương.
  • Mướp đắng: Mướp đắng kết hợp với mật ong có khả năng làm dịu các triệu chứng của viêm da cơ địa. Lấy một quả mướp đắng, bỏ ruột và rửa sạch. Cho mướp đắng vào máy xay nhuyễn, trộn cùng 3 thìa mật ong nguyên chất. Đắp hỗn hợp lên các vùng da tổn thương, để khoảng 3-5 phút rồi rửa sạch. Kiên trì đều đặn mỗi ngày một lần tới khi bệnh thuyên giảm.

Áp dụng mẹo dân gian trị viêm da cơ địa có ưu điểm là nguyên liệu tự nhiên đảm bảo an toàn, không gây tác dụng phụ, phù hợp với hầu hết các đối tượng (bao gồm trẻ nhỏ). Cách này cũng giúp người bệnh tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, mẹo dân gian chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, tác dụng chậm hơn và phụ thuộc vào cơ địa từng người. Người bệnh nên cân nhắc lựa chọn phương pháp khác nếu không thấy hiệu quả.

Sử dụng thuốc Tây y

Phương pháp y tế chủ yếu trị viêm da cơ địa là dùng thuốc Tây y, được kê toa bởi bác sĩ. Tuỳ vào đặc trưng của từng trường hợp, mức độ triệu chứng, độ tuổi, tình trạng cơ địa, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị với liều lượng và loại thuốc bôi (hoặc uống) phù hợp.

Các loại thuốc trị viêm da cơ địa thường được kê toa bao gồm:

  • Thuốc bôi corticoid
  • Thuốc bôi ức chế calcineurin
  • Thuốc bôi chứa acid salicylic
  • Thuốc chống viêm không steroid
  • Kem dưỡng ẩm chuyên dụng
  • Thuốc kháng histamin tổng hợp
  • Thuốc kháng sinh đường uống
  • Corticoid đường uống

Ưu điểm của phương pháp này là tác dụng nhanh, các triệu chứng được kiểm soát kịp thời. Tuy nhiên, một số loại thuốc tiềm ẩn nguy cơ gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh.

Khi sử dụng thuốc Tây, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời, áp dụng chế độ chăm sóc và bảo vệ da hợp lý. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Trường hợp gặp kích ứng với thành phần thuốc, ngưng dùng ngay và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.

Điều trị viêm da cơ địa bằng Y học cổ truyền

Phương pháp Y học cổ truyền điều trị viêm da cơ địa theo cơ chế tác động vào căn nguyên, đồng thời cải thiện các triệu chứng bệnh, phục hồi làn da. Ưu điểm của bài thuốc sử dụng thành phần thảo dược tự nhiên là đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tác dụng phụ, hiệu quả từ gốc, lâu bền.

Khi thấy có dấu hiệu của viêm da cơ địa thì người bệnh cần đi khám để điều trị càng sớm càng tốt tránh bệnh trợ nên nặng hơn và kéo dài gây khó chữa.

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo