Giảm sốc thiết vị bếp
Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ theo Y Học Cổ Truyền
03-05-2024 16:21:55 | Bài thuốc đông y

Thoái hoá cột sống cổ là căn bệnh ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện tại. Việc chủ quan và không điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng đến vùng đốt sống cổ như hạn chế vận động, thoát vị đĩa đệm. Điều trị theo phác đồ Y Học Hiện Đại với các thuốc giảm đau chống viêm mang lại nhiều tác dụng phụ về gan, thận, dạ dày... Do đó ngày càng nhiều người tìm đến các phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ theo Y Học Cổ Truyền bởi tính an toàn hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ.

1. Tìm hiểu về thoái hoá đốt sống cổ

Thoái hoá đốt sống cổ là quá trình thoái hoá của các đĩa đệm đốt sống, tổ chức sụn, các tế bào tổ chức tại đốt sống. Thoái hoá đốt sống cổ sẽ gây các hiện tượng đặc xương dưới sụn, gai xương, hẹp khe khớp và viêm các tổ chức xung quanh. Chính các hiện tượng trên làm xuất hiện triệu chứng đau, hạn chế vận động đốt sống cổ.

Thoái hoá đốt sống cổ là hậu quả của quá trình lão hoá mang tính chất quy luật của tự nhiên khi con người đến một độ tuổi nhất định (thường từ 45 tuổi). Tuy nhiên, với cuộc sống hiện tại quá trình lão hoá không chỉ phụ thuộc vào tuổi tác, mà còn do nhiều nguyên nhân khác như làm việc sai tư thế, thói quen sinh hoạt không khoa học, ăn uống thiếu chất.

Theo góc nhìn Đông y, thoái hoá cột sống cổ thuộc vào chứng tý. Nguyên nhân chủ yếu do khí huyết bất túc (dinh dưỡng không đầy đủ), nội thương (bệnh lâu ngày ảnh hưởng xương tủy), chấn thương.

Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra chủ yếu ở các đốt sống C5, C6 và C7

2. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa đốt sống ở cổ?

Bên cạnh những yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc bệnh, sau đây là những nguyên nhân chính hình thành thoái hóa đốt sống cổ. Việc nắm bắt các nguyên nhân này cũng có ý nghĩa quan trọng giúp quá trình điều trị thoái hóa đốt sống cổ hiệu quả.

2.1. Mất nước đĩa đệm

Đĩa đệm là miếng lót nằm giữa các đốt sống, đóng vai trò duy trì sự đàn hồi, giảm xóc giữa các đốt sống, góp phần bảo vệ các dây thần kinh ở cột sống và giảm ma sát cột sống giúp cơ thể vận động linh hoạt. Đĩa đệm có khoảng 85% nước, nhưng bởi vì nguyên nhân tuổi tác khiến cơ thể bị lão hóa, dẫn đến mất, khô nước. Từ đó gây ra các cơn đau ở vùng cổ.

2.2. Gai xương

Khi khớp gặp chấn thương, các gai xương sẽ hình thành với mục đích sửa chữa vùng khớp tổn thương. Đa số các gai không ảnh hưởng đến cơ thể. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các gai xương này va chạm, cọ xát, đè lên các xương khác, dây thần kinh hoặc chèn ép vào những cơ, mô, tủy sống làm cho người bệnh cảm thấy rất đau.

2.3. Xơ hóa dây chằng

Dây chằng có chức năng bảo vệ đầu khớp, kết nối các xương cột sống với nhau. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, dây chằng bị xơ hóa khiến cho các chuyển động ở cổ gặp khó khăn.

2.4. Hoạt động sai tư thế

Một số các hoạt động như ngồi học bài, làm việc không đúng tư thế, cúi hay ngửa nhiều lần, thường xuyên gập cổ để sử dụng điện thoại, mang vác vật nặng, ngồi làm việc trong một thời gian dài, ít vận động,… Thực hiện sai tư thế các hoạt động trong một thời gian dài sẽ dẫn đến đốt sống cổ bị thoái hóa gây đau nhức.

3. Các biểu hiện của thoái hoá đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ có các biểu hiện như sau:

  • Đau có tính chất cơ học (đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi).
  • Đau nhức tê mỏi tại vùng đốt sống cổ sau đó lan xuống bả vai, cánh tay.
  • Co cứng các cơ tại vùng cổ.
  • Hạn chế vận động vùng cột sống cổ.
  • Đau tăng khi thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh, ẩm thấp.
  • Cột sống có thể gù vẹo, biến dạng.

Ngoài ra, khi chụp X-quang thấy hình ảnh hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, gai đốt sống cổ. Xét nghiệm máu không có bất thường.

Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng bấm huyệt

4. Điều trị thoái hoá đốt sống cổ theo Y Học Hiện Đại

Hiện tại với trường hợp thoái hoá đốt sống cổ khi đi khám Tây y người bệnh có thể được các bác sĩ kê các thuốc điều trị triệu chứng giảm đau giảm viêm. Tuy nhiên, các thuốc có nhiều tác dụng phụ lên gan, thận, dạ dày. Người bệnh cần được thăm khám và chỉ định bởi các bác sĩ. Không nên lạm dụng thuốc giảm đau, hoặc tự ý dùng thuốc. Sau đây là các nhóm thuốc Tây y dùng để điều trị thoái hoá đốt sống cổ bạn đọc có thể tham khảo.

  • Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol)
  • Thuốc kháng viêm giảm đau NSAID với trường hợp dùng thuốc giảm đau đơn thuần không có hiệu quả, dùng liều thấp và ngắn ngày.
  • Corticoid: cần thận trọng khi sử dụng vì các tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc.
  • Nhóm thuốc làm chậm quá trình thoái hoá: glucosamine, chondroitin ....

5. Phác đồ điều trị thoái hoá đốt sống cổ theo Y Học Cổ Truyền

5.1. Phương pháp điều trị không dùng thuốc

  • Xoa bóp bấm huyệt: bấm day các huyệt vùng cổ vai gáy như Phong Trì, Thiên Tông, Phong Phủ, Thiên Trụ, Kiên Tỉnh, Đại Trữ, Đại Chùy, Phế Du ... kết hợp xoa xát vùng cổ vai gáy 10-20 phút/ngày.
  • Châm cứu: các huyệt thường được bác sĩ lựa chọn châm cứu trên lâm sàng như Kiên Tỉnh, Thiên Trụ, Kiên Ngung, Đại Chùy, Kiên Trinh...
  • Cấy chỉ: tức chôn một đoạn chỉ tự tiêu vào các huyệt để điều trị.
  • Nắn chỉnh cột sống: với các trường hợp xuất hiện cong vẹo hay biến dạng cột sống.

Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng châm cứu

5.2. Phương pháp điều trị dùng thuốc

Bài thuốc 1

Bài thuốc này sẽ có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng đau nhức, bổ khí huyết, tan hàn và chặn hàn khí xâm nhập cơ thể. Bên cạnh đó bài thuốc còn có tác dụng hỗ trợ gân khớp, trừ thấp và tăng cường đề kháng.

Nguyên liệu bao gồm:

  • Quế chi, độc hoạt, đỗ trọng, hy thiêm: 10g/loại
  • Ngưu tất, chi mẫu: 12g/loại.
  • Hoàng cầm, thạch cao, vương cốt đằng: khoảng 8g/loại.
  • Phòng phong, cẩu tích: 6g/loại.
  • Xuyên quy 16g.

Cách thực hiện: đem tất cả các nguyên liệu trên và sắc với 500ml nước. Sau đó sắc ở lửa nhỏ cho đến khi cô đặc còn 200ml nước thì tắt bếp. Lọc bỏ đi phần bã và lấy phần nước dùng trong ngày.

Chữa thoái hóa cột sống bằng y học cổ truyền mang lại hiệu quả lâu dài

Bài thuốc 2

Bài thuốc này có tác dụng giúp giảm các cơn co cứng, giảm đau cơ khớp ở cổ. Do đó nó sẽ phát huy tác dụng tốt trong việc điều trị thoái hóa đốt sống cổ.

Nguyên liệu cần có:

  • Đại hoàng, Ý dĩ, Cát căn: mỗi loại khoảng 16g.
  • Thược dược, quế chi: 12g/loại.
  • Ma hoàng 8g.

Cách thực hiện:

  • Đem những nguyên liệu trên cho vào siêu, sắc với nước vừa đủ.
  • Sắc ở lửa nhỏ cho đến khi cô đặc thì tắt bếp.
  • Lọc bỏ phần bã giữ lại nước và dùng trong ngày. Chú ý: cần sử dụng khi ấm, nếu nguội thì nên hâm lại.
  • Thuốc khá đắng, nên bạn có thể chia nhỏ uống ít một cho dễ.

Bài thuốc 3

Bài thuốc này có tác dụng hỗ trợ giảm đau xương khớp và toàn bộ cơ thể.

Nguyên liệu gồm có:

  • Quế chi, Phòng phong, Xuyên khung, Độc hoạt, Đương quy: mỗi loại 12g.
  • Sài hồ, Hoàng bá, Khương hoạt:10g/loại.
  • Đào nhân, Hồng hoa: mỗi loại 8g.

Cách thực hiện:

  • Đem tất cả nguyên liệu cho vào sắc cùng nước ở lửa nhỏ.
  • Đun tới cạn nước còn 1/2 thì tắt bếp.

Người bệnh nên sử dụng kiên trì từ 1 tháng trở nên mới có thể thấy được hiệu quả.

6. Những lưu ý trong sử dụng bài thuốc Đông y

  • Bên cạnh việc áp dụng các bài thuốc trên, bạn cũng cần kết hợp với các điều trị vật lý trị liệu, châm cứu hoặc sử dụng thuốc Tây.
  • Những bài thuốc trên có tính chất tham khảo, vì vậy bạn nên tới các cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn phương pháp hợp lý.
  • Trong quá trình sử dụng các bài thuốc này, nếu xảy ra bất kì vấn đề gì như: khó chịu, dị ứng,… nên ngưng sử dụng và thông báo với bác sĩ ngay để có hướng giải quyết sớm.
  • Với các trường hợp tình trạng bệnh nặng, người bệnh nên tìm đến các phương pháp Tây y để được điều trị tốt nhất.
  • Ngoài việc áp dụng Đông y, người bệnh có thể cải thiện cùng với xây dựng lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý.

Điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y có ưu điểm là lành tính, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả bền vững,... Để quá trình điều trị đạt kết quả như mong muốn, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào.

Bài viết tham khảo nguồn: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org

 

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo