Giảm sốc thiết vị bếp
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm và các biến chứng nguy hiểm
27-09-2024 17:27:34 | Bệnh xương, khớp

Thoát vị đĩa đệm là bệnh liên quan đến cột sống và xương khớp thường gặp. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp nâng cao khả năng phục hồi, ổn định cuộc sống. Đáng lưu ý thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, phổ biến nhất là từ 30 - 60 tuổi.

Thoát vị đĩa đệm trên thực tế khá nhiều trường hợp do không biết nguyên nhân nên có thái độ chủ quan, lơ là, không kiên trì điều trị gây nên tình trạng nhờn thuốc, các đĩa đệm dần bị thoái hóa và trở nên xơ cứng, giòn đứt, mất hẳn khả năng phục hồi.

1. Dấu hiệu thường gặp ở người bị thoát vị đĩa đệm

Một vài dấu hiệu đặc trưng nhất của người bị thoát vị đĩa đệm.

  • Đau nhức tay hoặc chân: Bệnh nhân trải qua các cơn đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, và tay chân. Tính chất đau có thể từ âm ỉ kéo dài vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng, đến rất dữ dội, và tăng lên khi vận động hoặc đi lại, nhưng giảm đi khi nghỉ ngơi.
  • Triệu chứng tê bì tay chân: Nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ chèn ép các rễ thần kinh, gây ra cảm giác đau nhức và tê bì ở vùng thắt lưng và cổ, sau đó lan xuống mông, đùi, cẳng chân và gót chân. Người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác, cảm thấy như có kiến bò trong người.
  • Yếu cơ, bại liệt: Xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn nặng và thường sau một thời gian dài mới phát hiện. Ở giai đoạn này, người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại và vận động, dần dần dẫn đến teo cơ, teo chân, và có thể liệt các chi, khiến người bệnh phải ngồi xe lăn. 

Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nặng nề.

  • Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhưng không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi gặp các dấu hiệu sau, bệnh nhân cần đến bệnh viện và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức:
  • Đau, tê bì, yếu cơ ngày càng nặng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày.
  • Tình trạng són tiểu hoặc bí tiểu.
  • Mất cảm giác tại các vùng gọi là “yên ngựa” trên cơ thể như bắp đùi trong, phía sau chân, vùng quanh hậu môn.
  • Nếu thoát vị đĩa đệm không được điều trị sớm, tình trạng này sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng:
  • Khi nhân nhầy chui vào trong ống sống và chèn ép rễ thần kinh, làm hẹp khoang sống, bệnh nhân có nguy cơ bị liệt nửa người hoặc bại liệt toàn thân.
  • Hội chứng đuôi ngựa: Rễ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép, dẫn đến không kiểm soát được việc đi đại tiện.
  • Khi người bệnh không vận động lâu ngày dẫn đến cơ suy yếu, bị teo, các chi teo nhanh chóng, chân tay trở nên nhỏ lại, khả năng đi lại và vận động giảm sút.
  • Rối loạn cơ vòng: Rễ thần kinh bị tổn thương gây ảnh hưởng đến cơ vòng đường tiểu, dẫn đến bí tiểu, sau đó là đái dầm dề, nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động.

2. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm là dấu hiệu các lớp bao xơ bên ngoài đĩa đệm thoái hóa dẫn đến tình trạng bị rách, lớp nhân nhầy bên trong bị thoát ra ngoài, sau đó chèn ép vào lớp tủy sống hoặc rễ thần kinh tạo nên những cơn đau dữ dội, dai dẳng khi vận động hoặc làm việc nặng nhọc.

Có nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm, trong đó có các nguyên nhân sau:

2.1. Do tuổi tác

Theo thời gian cột sống của người già cũng dần mất đi tính đàn hồi, không còn sự mềm dẻo nên rất dễ bị thoát vị đĩa đệm.

Căn bệnh này thường gặp ở những người có độ tuổi từ 40 – 75. Đây là độ tuổi có nguy cơ rất cao mắc chứng thoát vị đĩa đệm, vì các thành phần nước bên trong "nhân nhầy" có chiều hướng suy giảm dần.

Đĩa đệm cũng không còn dẻo dai do mất nước, vòng sụn bị thoái hóa và rạn nứt nên chỉ cần 1 lực tác động nhỏ cũng sẽ khiến cho nhân nhầy chui ra ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh thắt lưng gây đau đớn.

2.2. Do béo phì

Khi khối lượng cơ thể vượt quá mức độ cho phép, khi đó cột sống có nghĩa vụ nâng đỡ khối lượng của cơ thể gặp phải áp lực khá nặng nề.

Cột sống do phải gánh chịu khối lượng tăng quá mức khiến áp lực lớn và làm việc quá sức, lâu ngày gây nên sự thoái hóa của các hệ thống khớp xương. Đặc biệt là vùng xương thắt lưng, từ đó dễ dẫn đến chứng thoát vị đĩa đệm.

2.3. Do thoái hóa đốt sống

Thoái hóa các đốt sống khiến cho bệnh nhân gặp vấn đề khó khăn ở các đốt cột sống.

Lúc này đĩa liên đốt và các dây chằng bị hư tổn và trở nên kém linh hoạt, không hoạt động trơn tru theo đúng chứng năng của nó. Hệ thống các mô sụn, dây chằng xung quanh đĩa đệm của đốt sống cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, không còn đàn hồi và dẻo dai nên không đủ khả năng bảo vệ tốt các bao xơ của đĩa đệm. Điều này khiến chúng bị rách, dịch nhầy bên trong tràn ra ngoài, gây nên chứng thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh đó, người bị thoái hóa đốt sống còn gặp các biến chứng như gai đốt cột sống, viêm cột sống… làm các hoạt động hàng ngày bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây tê chân, ảnh hưởng đến thần kinh

2.4. Do chấn thương

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm do chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày như làm việc sai tư thế, tư thế xấu gây ảnh hưởng lớn đến cột sống. Đối tượng dễ bị mắc chứng bệnh thoát vị đĩa đệm thường là những người khom cúi nhiều, ngồi một chỗ quá lâu hoặc làm việc nặng nhọc trong thời gian dài như nông dân, bốc vác, công nhân, nhân viên văn phòng, thợ may, họa sĩ, kiến trúc sư, thợ hồ…

Việc nâng vác các vật nặng vượt quá sức mình khiến cho các đốt sống phải gánh chịu nhiều áp lực lớn, nếu liên tục xuất hiện trong thời gian dài sẽ dễ gây nên tình trạng rách bao xơ, dẫn đến di chứng là bệnh thoát vị đĩa đệm.

Ngoài ra, người bị thoát vị đĩa đệm cột sống có thể gặp phải một tai nạn trong lao động, khi chơi thể thao hoặc khi tham gia giao thông. Phần lưng của nạn nhân phải chịu những cú va đập hoặc ngã rất mạnh. Áp lực mà cơ thể phải nhận từ cú va đập này gây ảnh hưởng rất lớn cho cột sống một cách đột ngột, từ đó làm cho các đĩa đệm lệch khỏi vị trí trung tâm đốt sống, bị rạn nứt dẫn đến rách bao xơ đĩa đệm. Nhân nhày ở phía bên trong thoát và chèn vào hệ thống dây thần kinh lưng, gây đau nghiêm trọng.

2.5. Do sinh hoạt không khoa học

Bên cạnh những vấn đề trên, người bệnh thoát vị đĩa đệm còn do một số nguyên nhân trong quá trình sinh hoạt hàng ngày như: Thói quen uống rượu bia nhiều, vì trong rượu và bia có những chất ngăn chặn quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng, phá vỡ sự tái tạo, hấp thụ canxi, từ đó khiến xương cột sống dần dần suy yếu.

Thói quen hút thuốc lá khiến các chất oxy khi được máu vận chuyển vào đĩa đệm mới có thể giúp bộ phận này phục hồi quá trình bị thoái hóa và tổn thương. Tuy nhiên, nếu nạp vào cơ thể quá nhiều chất nicotin trong thuốc lá hoặc xì gà sẽ làm cho cơ chế tổng hợp oxy này bị giảm sút rất nhiều.

Thói quen ăn uống không điều độ, nếu người bệnh dùng quá nhiều thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và thức ăn chứa nhiều photpho thì sẽ khiến cho lượng canxi trong cơ thể bị giảm sút nghiêm trọng, khiến cho các cơn đau xương khớp thêm trầm trọng.

3. Các biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm

Không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt và lao động, những tác hại của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể ảnh hưởng trực tiếp, khiến người bệnh bị liệt và tàn phế suốt đời nếu không được chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm kịp thời. Ngoài ra, người bệnh thoát vị đĩa đệm còn phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

3.1. Rối loạn đại tiểu tiện

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng khiến khớp xương ở vùng cột sống bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, khiến cho dây thần kinh ở vùng thắt lưng bị chèn ép dẫn đến hiện tượng rối loạn cơ tròn, khi đó người bệnh mắc phải chứng đại tiểu tiện không tự chủ. Ban đầu, vùng xương cùng bị bí tiểu, sau đó người bệnh đái dầm và nước tiểu chảy một cách thụ động.

3.2. Ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh

Vùng cột sống là nơi có nhiều dây thần kinh chạy dọc, do đó khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể làm cho dây thần kinh bị tổn thương, khiến người bệnh đau nhức khó chịu. Khi thoát vị đĩa đệm bước sang giai đoạn cục bộ, các cơn đau cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, không chỉ gây cảm giác đau ở vùng cột sống thắt lưng mà còn lan xuống chân tay, đau mạnh khi vận động hoặc làm việc nặng, ho, hắt hơi, đi lại, đứng ngồi lâu...

3.3. Gây liệt tàn phế

Biến chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây liệt tàn phế suốt đời. Người bệnh sẽ mất hoàn toàn khả năng vận động, đi lại và chỉ có thể nằm một chỗ. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Thoát vị đĩa đệm có khả năng gây liệt nếu không chữa trị kịp thời

3.4. Teo cơ chi

Không chỉ gây tổn thương đến vùng cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm còn có thể chèn ép không cho máu lưu thông đến các cơ, khiến cơ thiếu chất dinh dưỡng và bị teo dần, người bệnh mất khả năng lao động, sinh hoạt khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống.

3.5. Rối loạn cảm giác

 Thoát vị đĩa đệm gây tê chân là biến chứng thường gặp. Rối loạn cảm giác ở khu vực khoang da tương ứng với rễ dây thần kinh bị tổn thương do bệnh thoát vị đĩa đệm làm tổn thương đến dây thần kinh. Những vùng da tương ứng với rễ dây thần kinh tổn thương thường có cảm giác nóng lạnh và mất đi cảm giác tê bì chân tay.

3.6. Hội chứng đau khập khễnh cách hồi

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây ra các hội chứng đau khập khễnh cách hồi, rối loạn vận động, khiến người bệnh không làm chủ được sức khỏe và cuộc sống của mình. Biểu hiện của hội chứng này là người bệnh đi được một đoạn phải nghỉ ngơi một lúc mới có thể đi tiếp, đây còn được coi là một dạng đau rễ thần kinh ngắt quãng.

4. Thoát vị đĩa đệm có chữa được không?

Quá trình chữa trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính như sau:

  • Tình trạng thoát vị đĩa đệm: Thời gian hồi phục phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thoát vị đĩa đệm. Các triệu chứng như đau, tê liệt, và yếu cơ thường gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh nhưng có thể được điều trị hiệu quả thông qua các phương pháp vật lý trị liệu mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.
  • Sự kiên trì của bệnh nhân: Đĩa đệm bị tổn thương trong một thời gian dài, vì vậy để đạt được kết quả tích cực như mong đợi, người bệnh cần kiên trì điều trị ít nhất vài tháng.

5. Biện pháp phòng ngừa

Muốn phòng tránh thoát vị đĩa đệm, việc thay đổi tư thế hoạt động, áp dụng bài tập phù hợp, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh,... là rất cần thiết. Cụ thể như:

  • Đứng, ngồi đúng tư thế: Bạn không nên duy trì tư thế ngồi quá lâu. Đồng thời khi ngồi, bạn phải ngồi thẳng. Thi thoảng, bạn hãy đứng lên để giảm áp lực cho cột sống.
  • Duy trì tư thế ngủ phù hợp: Lúc ngủ, bạn hãy duy trì tư thế thẳng lưng, chọn gối đầu thoải mái.
  • Thực hiện bài tập phù hợp: Ví dụ như tập yoga, tập pilates giúp cơ thể thư giãn, hỗ trợ cơ bắp tại phần bụng và phần lưng, tránh tập quá sức, tập sai kỹ thuật gây chấn thương.
  • Ngủ đủ giấc: Giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, cơ bắp và xương khớp phục hồi nhanh hơn.
  • Hạn chế dùng chất kích thích: Chẳng hạn như thuốc lá, ma túy, rượu bia.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và đầy đủ vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng. Đồng thời, nên duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

6. Lời khuyên thầy thuốc

Thoát vị đĩa đệm là vấn đề thường gặp, để ngăn ngừa những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần lưu ý phòng tránh ngay từ đầu để tránh hậu quả nghiêm trọng.

Với những người lao động trí óc, làm việc trong văn phòng thì cần nghỉ ngơi khoảng 5 phút sau khi ngồi làm việc khoảng 1 tiếng bằng cách đứng dậy đi lại quanh phòng làm việc, tập 1 vài động tác có lợi cho thắt lưng.

Người lao động chân tay cần chú ý không khiêng vác vật nặng quá sức, không cúi lưng để nhấc vật nặng lên đột ngột, mà cần ngồi xổm xuống để nâng vật lên từ từ, tránh tác động mạnh lên đĩa đệm.

Cần tập thể dục thường xuyên như bơi lội, tập yoga, aerobic, đi xe đạp… để giúp xương cột sống thêm rắn chắc và dẻo dai.

Nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất cho xương khớp như vitamin D, K, chất béo Omega-3… gồm cá hồi, sữa, trứng, cá thu, tôm, cua, đậu hà lan, đậu nành, cà chua…

Bài viết tham khảo nguồn: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo