Giảm sốc thiết vị bếp
Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối như thế nào?
07-10-2024 17:40:32 | Bệnh xương, khớp

Thoái hóa khớp gối là quá trình diễn biến tự nhiên theo tuổi gây tổn thương các cấu trúc giải phẫu ở khớp gối như: xương, sụn khớp, dây chằng và màng hoạt dịch…, quá trình này kéo dài gây mất tính đàn hồi, mất dần lớp sụn khớp và giảm khả năng hoạt động.

1. Thoái hóa khớp gối là gì? 

Thoái hóa khớp gối bị gây ra bởi sự mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và huỷ hoại của sung, lớp xương dưới sụn. Hậu quả là gây nên các thay đổi về hình thái, phân tử, sinh hoá, cơ sinh học của tế bào dẫn tới xơ hoá xương dưới sụn, mất sụn khớp, gai xương. 

Khớp gối là bộ phận quan trọng giúp nâng đỡ trọng lượng toàn bộ cơ thể và còn là cầu nối tạo sự linh hoạt trong hoạt động thường ngày như đi lại, chạy, ngồi,... Trải qua khoảng thời gian dài hoạt động mà không có “bảo dưỡng" thì bất kể bộ phận nào cũng sẽ bị hao tổn ít nhiều, giảm bớt chức năng hoạt động như ban đầu, khớp gối cũng vậy.

2. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến thoái hoá khớp gối

Các yếu tố nguy cơ gây ra thoái hóa khớp gối phần lớn là vì độ tuổi. Khi tuổi đời càng cao thì việc tổng hợp, tái tạo sụn khớp sẽ càng gặp khó khăn hơn hay thậm chí không thể sản sinh thêm dẫn tới việc thoái hóa khớp gối. Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố khác dẫn tới căn bệnh này như:

  • Sụn khớp bị tổn thương nặng sau các chấn thương từ việc chơi thể thao, tai nạn,...
  • Tăng cân một cách đột ngột cũng sẽ khiến khớp gối bị tổn thương nặng do phải tải thêm một lượng cơ thể khá lớn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng những người bị bệnh béo phì dễ mắc thoái hóa khớp gối từ sớm.
  • Ít vận động dễ khiến các cấu trúc cơ, khớp, gân hay dây chằng không được hoạt động thường xuyên nên dễ bị trì trệ, không sản sinh thêm các tế bào mới.
  • Vận động quá sức cũng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xương khớp, đặc biệt khi người bệnh phải mang vác quá nặng, quá lâu,...

Ngoài ra, cũng có các nguyên nhân khác tác động đến bệnh như chế độ ăn uống, ảnh hưởng từ các hệ miễn dịch hay ảnh hưởng từ các bệnh lý khác. Sau khi phát hiện được các nguyên nhân gây ra bệnh một cách chính xác thì việc điều trị thoái hóa khớp gối sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

3. Biểu hiện thoái hóa khớp gối

Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối như thế nào?- Ảnh 1.

Thoái hóa khớp gối diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời.

Các triệu chứng thông thường của thoái hóa khớp gối bao gồm: đau mặt trước hoặc trong khớp gối, đau tăng khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng. Lúc đầu sẽ xuất hiện các cơn đau khớp gối, lâu dần cơn đau sẽ tăng và kéo dài. Khớp gối cứng, mất linh hoạt và khó cử động sau khi ở yên một chỗ lâu hoặc sau khi ngủ dậy. Khớp gối có thể bị sưng to do viêm hoặc do tràn dịch khớp, đau sẽ giảm nếu được chọc hút dịch ra nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X, người bệnh có thể bị mất chức năng vận động.

Thoái hóa khớp gối diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời. Đến khi bệnh tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và lao động hàng ngày của người bệnh.

Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối cần phải được thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Hình ảnh chụp X-Quang và cộng hưởng từ có thể giúp chẩn đoán bệnh cũng như đánh giá giai đoạn bệnh.

4. Thoái hóa khớp tiến triển thế nào?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng loạn dưỡng của khớp gối, trước hết biểu hiện sự biến đổi ở bề mặt sụn khớp, sau đó là biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp gọi là hư khớp (thoái hóa khớp), ảnh hưởng lớn đến vận động.

Ở giai đoạn đầu, khớp gối chưa hư ngay do dịch trong bao khớp chưa bị ảnh hưởng nhiều (chưa hao hụt nhiều). Khi khớp bị thương tổn nhiều làm ảnh hưởng đến bao khớp (biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành gai xương...), dịch khớp sẽ càng ngày càng kém đi cả về lượng và chất. Vì vậy, làm cho độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên, trong khi lực tác động của trọng lực cơ thể vẫn không đổi hoặc tăng lên (tăng cân, béo phì...), càng ngày mặt sụn khớp gối càng bị hao mòn dần dần dẫn đến hẹp khe khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối, gây đau, vận động khó khăn. Một số trường hợp do mất sụn khớp hoàn toàn cho nên sự tiếp xúc chỉ xảy ra giữa xương với xương nên rất đau, nhất là khi cử động, vận động cơ thể, thậm chí gây tàn phế rất khó đi lại.

Ở người trẻ cũng có thể bị thoái hóa do chấn thương không hồi phục gây ra (chạy nhảy, chơi thể thao, lao động chân tay, mang vác nặng kéo dài...), tuy vậy, đại đa số thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là người cao tuổi.

Thoái hóa khớp gối là căn bệnh ngày càng nhiều người mắc phải

5. Điều trị thoái hóa khớp gối

Khi đã bị thoái hóa khớp gối, việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau và chống viêm, tiêm nội khớp. Trong một số trường hợp, khi tình trạng thoái hóa khớp ở mức độ nặng, phẫu thuật thay khớp gối là phương pháp điều trị giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

5.1 Điều trị nội khoa

Các biện pháp dùng thuốc bao gồm: thuốc điều trị triệu chứng: thuốc chống viêm và giảm đau; thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamin, Diacerin, Acid hyaluronic.

Tiêm huyết tương tươi giàu tiểu cầu được tách chiết từ máu chứa yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo sụn khớp. Ngoài ra, còn cung cấp các cytokine chống viêm. Liệu pháp huyết tương tưới giàu tiểu cầu từ máu tự thân đặc biệt có hiệu quả ở những bệnh nhân trẻ, thoái hóa khớp giai đoạn sớm.

Liệu pháp tế bào gốc được lấy từ tủy xương hoặc mô mỡ của chính bệnh nhân, sau đó được kích hoạt và tiêm vào khớp.

Dưới sự kích thích của các tác nhân tại chỗ, tế bào gốc sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, chống viêm, kích thích mô tại chỗ phát triển thông qua tiết ra các yếu tố tăng trưởng.

Biện pháp không dùng thuốc giảm tải tránh cho khớp bị quá tải bởi hoạt động và trọng lượng.

Người bệnh cần tập vật lý trị liệu một cách phù hợp.

5.2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật nội soi khớp gối được chỉ định với mục đích làm sạch khớp, cắt lọc màng hoạt dịch viêm, lấy mảnh sụn bong ra và sụn chêm rác. Phẫu thuật nội soi có thể giúp giảm đau một thời gian.

Phẫu thuật sửa trục khớp nhằm thay đổi lực tỳ đè ở khớp gối. Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân còn trẻ.

Thay khớp gối chỉ định cho thoái hóa khớp độ 3 hoặc 4, bệnh nhân đau nhiều.

Tóm lại: Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, do vậy gần như khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có thể làm chậm quá trình thoái hóa khớp bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh của khớp, hạn chế mang vác vật nặng và ngồi sai tư thế, giữ chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.

5.3. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng đông y

Phong hàn thấp hoặc phong thấp nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào cơ biểu kinh lạc làm sự vận hành của khí huyết tại khớp gây đau khớp và co duỗi khó khăn.

Thoái hóa khớp gối nếu không điều trị sớm sẽ gặp những biến chứng khó lường

Thoái hóa khớp gối, ngoài việc điều trị theo triệu chứng, giai đoạn của bệnh thì cách luyện tập, vật lý trí liệu, đông y cũng góp phần không nhỏ cải thiện và hạn chế bệnh tái phát.

Tùy theo mỗi thể lâm sàng, tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân, thầy thuốc kê đơn bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc cổ phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm khối lượng, thành phần các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Thể phong hàn thấp tý

Sau khi nhiễm ngoại tà (hàn, phong, thấp) xuất hiện đau khớp, sưng, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối, có thể một hoặc hai bên, trời lạnh ẩm khiến đau tăng, chườm ấm đỡ đau, kèm sợ gió, sợ lạnh, không sốt, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch phù hoãn.

Bài thuốc: Ý dĩ 30g, bạch thược 08g, quế chi 10g, Cam hait 04g, bacgh truật 08g, đương quy 12g, ma hoàng, sinh khương 0,6g sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần uống khi thuốc còn ấm.

Châm tả và cứu các huyệt: Huyệt tại chỗ. Huyệt toàn thân. Điện châm, ôn điện châm, điện mãng châm, ôn châm. Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình khoảng 15 - 20 ngày.

Thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư

Bệnh nhân đau mỏi khớp gối, vận động co duỗi khớp gối khó khăn, biến dạng khớp. Sau khi nhiễm thêm ngoại tà (hàn, phong, thấp) xuất hiện đau tăng, khớp gối sưng, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối có thể một hoặc hai bên, kèm đau mỏi lưng, ngủ kém.

Bài thuốc: Độc hoạt 10g, phòng phong, tần giao đương qui, thích dược, cam thảo, đỗ trọng, đẳng sâm: 12g, sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Thể phong thấp nhiệt kèm can thận hư:  Bệnh nhân có triệu chứng đau mỏi khớp gối từ lâu, vận động co duỗi khớp gối khó khăn, có thể biến dạng khớp. Hiện tại xuất hiện đau, sưng khớp, nóng hoặc đỏ, triệu chứng ở một hoặc hai bên khớp gối thường kèm theo phát sốt, miệng khô khát, sợ gió, phiền táo bứt rứt không yên. Lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn; tiểu màu vàng lượng ít. Mạch hoạt sác.

Bải thuốc: Ý dĩ nhân thang hợp với nhị diệu tán, sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần.

6. Cách xử trí khi bị viêm khớp gối

Rất nhiều trường hợp người bệnh bị viêm khớp gối nhưng chủ quan không điều trị bệnh sớm khiến cho bệnh chuyển biến ngày càng nặng, nguy cơ dẫn tới thoái hóa nặng và không thể chữa trị được nữa. 

Ngoài ra, việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm khớp gối không đúng cũng sẽ làm tình trạng bệnh không thuyên giảm mà còn có thể bắt gặp những biến chứng không mong muốn.

Có thể xác định viêm khớp gối bằng các xét nghiệm cũng như chụp X-quang vùng đầu gối, kết hợp với các thông tin từ bệnh lý nền thì các bác sĩ sẽ đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

  • Sử dụng một số loại thuốc điều trị viêm khớp gối như: oxycodone hoặc codeine,... kết hợp với một số loại thuốc giảm đau trong trường hợp các cơn đau xuất hiện quá nhiều và gây khó chịu cho việc sinh hoạt thường ngày.
  • Thực hiện phương pháp vật lý trị liệu cho người bệnh viêm khớp gối.
  • Thực hiện các ca phẫu thuật nhằm duy trì khả năng hoạt động của khớp gối: Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, phẫu thuật loại bỏ xương khớp gối và phẫu thuật nội soi.

7. Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa thoái hóa khớp gối, cần phải kiểm soát cân nặng, chống béo phì bằng cách tập thể dục điều đặn, vừa sức, có một chế độ ăn khoa học. Nên bổ sung canxi và các thực phẩm giàu canxi như thịt, tôm, cua. Bổ sung vitamin D, C, acid folic trong các loại rau. Dùng dầu có chứa acid béo không no, omega-3 trong sữa đậu nành, hạnh nhân, dầu oliu. Tăng cường các loại trái cây như chanh, cam, đu đủ, bưởi. Tránh ăn mỡ, bơ, xúc xích, nước ngọt, kiêng uống rượu và hút thuốc lá. Chú ý khi làm việc và khiêng vác vật nặng, chỉnh tư thế cho thẳng, cúi, khom khi nâng vật gì không được nghiêng qua nghiêng lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến khớp gối, cột sống lưng. Tránh ngồi lâu, đứng lâu, nằm lâu. Khi làm việc hay lao động, tập luyện, nếu thấy đau ở khớp gối thì ngừng, thư giãn, không gắng sức. Bảo vệ bất trắc khi đi ra đường và khi có biểu hiện đau, cần có sự trợ giúp của người thân hay tư vấn của bác sĩ.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo