Giảm sốc thiết vị bếp
Thoái hóa khớp do bệnh gout (gút)
07-04-2023 14:28:37 | Bệnh Gout

Bệnh gout là sự lắng đọng tinh thể monosodium urat vào mô thường ở trong hoặc xung quanh các khớp dẫn tới viêm khớp cấp tính tái phát nhiều lần hoặc mãn tính. Do vậy, bệnh gout nếu không được điều trị có thể gây ra biến chứng nặng nề như thoái hóa khớp cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

1. Quá trình diễn biến của bệnh gout (gút)

Bệnh gout là sự lắng đọng tinh thể monosodium urat vào mô, thường xuất hiện ở trong và xung quanh các khớp gây viêm khớp cấp tính tái phát nhiều lần hoặc mãn tính. Bệnh gout gặp ở nam giới với tần suất nhiều hơn nữ giới. Thông thường gout khởi phát ở nam giới trung niên và ở nữ giới trong độ tuổi sau mãn kinh. Bệnh gout hiếm gặp ở người trẻ nhưng nếu trước 30 tuổi khởi phát thì bệnh thường nặng hơn. Những bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa sẽ có nguy cơ cao bị bệnh gout, bởi vì bệnh gút thường có yếu tố di truyền theo gia đình. Những cơn viêm khớp cấp tính thường xảy ra ở một khớp và thường gặp nhất là khớp bàn ngón chân. Các triệu chứng điển hình của bệnh gout bao gồm:

  • Đau khớp cấp tính: Đau khớp do bệnh gout là triệu chứng điển hình.
  • Sưng, nóng và đỏ các khớp.

Đau khớp do bệnh gout là triệu chứng điển hình

Viêm khớp do gout cấp thường bắt đầu với triệu chứng đau đột ngột hay còn gọi là đau khớp do gout. Khớp bàn ngón chân của ngón chân cái là vị trí thường gặp nhất nhưng mắt cá chân, mu bàn chân, cổ tay, khuỷu tay, khớp gối cũng là những vị trí dễ thấy. Cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn thường là trong vài giờ và rất dữ dội. Sưng, nóng, đỏ và nhạy cảm đau có thể là triệu chứng nhiễm trùng. Da phía ngoài khớp có thể trở nên nóng, căng, bóng và đỏ hoặc hơi tím. Bên cạnh đó, những triệu chứng như nhịp tim nhanh, sốt, ớn lạnh và mệt mỏi cũng có thể xảy ra. Vài cơn gout đầu tiên thường chỉ ảnh hưởng tới một khớp và chỉ kéo dài trong thời gian vài ngày. Sau đó, những cơn về sau có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc, hoặc tuần tự và kéo dài thời gian trên 3 tuần nếu như không được điều trị. Những cơn gout tiếp theo phát triển tăng dần xen kẽ với các đợt gout không xuất hiện triệu chứng ngắn. Cuối cùng những cơn gout có thể xảy ra hàng năm. Vì vậy, nếu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nặng nề đặc biệt là thoái hóa khớp.

Viêm khớp do gout cấp thường bắt đầu với triệu chứng đau đột ngột hay còn gọi là đau khớp do gout

2. Thoái hóa khớp do bệnh gout

Thoái hóa khớp là một dạng tổn thương của khớp do viêm khớp hay do mất sụn mặt khớp như mòn sụn, khô chất nhờn, sụp xương, chai xơ dây chằng bao khớp... Đa số nguyên nhân gây thoái hóa khớp là do nguyên nhân cơ học, theo thời gian các khớp hoạt động nhiều thì sẽ thoái hóa sớm. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như chấn thương, dị tật, vẹo trục, gãy xương... Đặc biệt, thoái hóa khớp do bệnh gout là thoái hóa khớp thứ phát do tình trạng bệnh làm ảnh hưởng đến khớp.

Viêm khớp cấp do gout có thể bị khởi phát bởi những căng thẳng do bệnh tật (ví dụ như các bệnh nhiễm trùng hoặc viêm phổi), phẫu thuật hay chấn thương, sử dụng các loại thuốc như các thuốc có tác dụng hạ uric máu (ví dụ allopurinol, nitroglycerin, probenecid), thuốc lợi tiểu thiazid hoặc sử dụng nhiều thức ăn giàu purin hoặc các chất kích thích như rượu. Những cơn gout cấp thường xuất hiện bởi sự gia tăng đột ngột hoặc là do sự giảm đột ngột nồng độ urat huyết thanh. Tophi ở xung quanh và bên trong khớp có thể gây hạn chế vận động và gây biến dạng khớp gọi là viêm khớp mạn tính do gout. Vì vậy, bệnh gout mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện thoái hóa khớp thứ phát hay còn gọi thoái hóa khớp do bệnh gút.

Tóm lại, bệnh gout gây sưng, nóng, đỏ, đau các khớp, lâu dần làm biến dạng khớp. Bệnh gout nếu không được điều trị có thể dẫn tới thoái hóa khớp thứ phát. Vì vậy, người bệnh bị gout cần tuân thủ phác đồ điều trị, khi thấy có xuất hiện những dấu hiệu bất thường hay tình trạng nặng nên cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

3. Nguyên nhân, yếu tố khởi phát bệnh gout

Nguyên nhân gây bệnh gout chủ yếu do rối loạn chuyển hóa axit uric, ngoài ra còn do chế độ ăn uống giàu chất đạm. Thông thường, axit uric trong cơ thể sẽ được thận lọc và đào thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi nồng độ axit uric quá cao sẽ tạo ra urat ở xương, khớp, bao hoạt dịch, thậm chí là ở nhu mô thận, gây sưng đau nhức. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng lên cũng dẫn đến bệnh gout.

Dưới đây là các yếu tố khởi phát bệnh gout:

  • Chế độ ăn uống không cân bằng, tiêu thụ nhiều hải sản, các loại thịt đỏ, rượu bia, nước ngọt, ...
  • Bị béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa hay các bệnh lý ở gan, thận.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh gout.
  • Một số loại thuốc làm tăng nồng độ axit uric trong máu và khởi phát bệnh gout cấp như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, aspirin (liều thấp).
  • Là nam giới, hoặc người mới vừa bị chấn thương hoặc phẫu thuật.
  • Thời tiết trở lạnh làm thay đổi và ảnh hưởng đến tuần hoàn trong cơ thể, đặc biệt là các khớp, khởi phát bệnh gout cấp.

4. Cách giảm đau nhanh bệnh gout

Như đã đề cập ở trên, cơn đau bệnh gout cấp thường gây đau dữ dội. Vậy làm thế nào giảm đau nhanh khi bệnh khởi phát đột ngột, dưới đây là một số biện pháp mà người bệnh có thể tham khảo:

  • Ngâm nước ấm: Thông thường, vị trí khởi phát bệnh gout cấp là ngón chân cái. Khi xuất hiện cơn đau, chỉ cần ngâm chân vào một chậu nước ấm là có thể giúp làm giảm cơn đau. Có thể ngâm chân vào nước lá lốt hoặc lá tía tô ấm, nước muối ấm để giảm đau hiệu quả hơn. Tốt nhất là nên ngâm chân vào mỗi buổi tối, trước lúc đi ngủ, thời gian ngâm chân khoảng 20 phút để khi ngủ cơn đau không khởi phát đột ngột.
  • Chườm đá: Ngược lại với ngâm chân vào nước ấm, chườm đá cũng là một trong những biện pháp giảm đau bệnh gout cấp nhanh chóng. Cho một ít đá vào một chiếc khăn rồi chườm lên chỗ sưng từ 20 - 30 phút, cơn đau khớp sẽ dịu hơn và người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Nâng cao chỗ khớp bị sưng: Nếu bị sưng đau khớp ở chân do bệnh gout cấp, để giảm đau người bệnh cần nằm trên giường và kê chân lên một cái gối để hỗ trợ máu lưu thông, chỗ sưng được thoáng mát, sẽ làm cơn đau dịu đi.
  • Uống đủ nước: Uống nhiều nước hơn mỗi ngày khi cơn đau bệnh gout cấp khởi phát để giúp tăng cường thanh lọc và đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Ngoài nước lọc, người bệnh có thể uống thêm nước cam, nước chanh, nước ép bưởi, nước ép thơm, ... Đây là những loại nước rất tốt đối với người bị bệnh gout.

Bệnh gout gây sưng, nóng, đỏ, đau các khớp, lâu dần làm biến dạng khớp

5. Điều trị và phòng ngừa bệnh gout

Những biện pháp nêu trên chỉ giúp giảm đau nhanh cơn đau gout. Bệnh gout cấp cần được phát hiện và điều trị sớm để bệnh không tiến triển thành mãn tính và gây các biến chứng khác.

Điều trị bệnh gout cấp bao gồm các loại thuốc sau:

  • Colchicine: Colchicine có tác dụng giảm viêm, sưng đau hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc không được dùng với liều cao, liều dùng được chỉ định là 1mg/ngày, uống thuốc trong vòng 12 giờ sau khi cơn đau gout khởi phát, uống sớm sẽ tốt hơn. Ngoài ra, người bệnh cần dùng đồng thời với thuốc kháng viêm không chứa steroid (nếu không chống chỉ định) để hiệu quả kháng viêm tăng lên.
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): NSAIDs có thể được chỉ định dùng riêng lẻ trong điều trị bệnh gout cấp hoặc kết hợp với Colchicine nêu trên. Tuy nhiên, NSAIDs có thể gây nhiều tác dụng phụ như suy thận, viêm loét dạ dày, ...
  • Corticoid toàn thân: Trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với Colchicine và NSAIDs nêu trên, Corticoid đường toàn thân có thể được chỉ định để điều trị bệnh gout cấp. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống phù hợp để ngăn không cho bệnh tiến triển, cụ thể như sau:

  • Hạn chế thực phẩm giàu đạm, purin, đồng thời tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 - 2,5l nước/ngày.
  • Không uống rượu, bia, thức uống có cồn hoặc chứa chất kích thích, dễ khởi phát bệnh gout cấp.
  • Tập luyện thể dục thể thao để giữ cân nặng ở mức hợp lý, cơ thể không bị thừa cân, béo phì.
  • Lao động vừa phải, không bị quá sức. Nghỉ ngơi hợp lý và tránh để cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực.
  • Nếu muốn dùng bất kỳ một loại thuốc nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến bệnh gout cấp.
  • Nếu bị tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần điều trị ngay để bệnh không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh gout.

Dấu hiệu bệnh gout cấp là những cơn đau khởi phát đột ngột xuất hiện vào ban đêm, đau nhức dữ dội. Để giảm đau nhanh chóng, người bệnh có thể ngâm chỗ sưng (thường là ở chân) vào nước ấm hoặc chườm đá. Sau khi nhận biết cơn đau của bệnh gout cấp, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm để bệnh không tiến triển và gây biến chứng.

 

 

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo