Giảm sốc thiết vị bếp
Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp
11-05-2023 13:32:03 | Thiểu năng tuần hoàn não

Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp trong y khoa nói chung và trong tâm thần học nói riêng. Rối loạn giấc ngủ có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, xã hội và ảnh hưởng lớn đến cảm xúc.

Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp là:

1. Mất ngủ

Mất ngủ là một than phiền chủ quan của người mắc về giấc ngủ: ngủ không đủ thời gian, chất lượng giấc ngủ không tốt, nghĩa là khi ngủ dậy người ta vẫn cảm thấy sức khỏe thể chất và tinh thần không hồi phục, cảm giác uể oải, mệt mỏi, còn buồn ngủ. Tùy từng trường hợp có thể biểu hiện bởi tình trạng khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức dậy sớm hoặc có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn. Tỷ lệ mất ngủ chiếm khoảng 10-15% trong dân số, trong đó mất ngủ tạm thời thường gặp nhất. Tỷ lệ mất ngủ tăng dần theo tuổi và tỷ lệ nữ gấp đôi nam.

Phân loại Quốc tế về Rối loạn giấc ngủ (The International Classification of Sleep Disorders, Third Edition - ICSD-3 xác định ba loại mất ngủ riêng biệt: rối loạn mất ngủ ngắn hạn, rối loạn mất ngủ mãn tính và rối loạn mất ngủ khác

1.1. Rối loạn mất ngủ mãn tính

Để đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn mất ngủ mãn tính, bệnh nhân phải có các triệu chứng ít nhất ba lần mỗi tuần trong thời gian từ ba tháng trở lên. Vì mất ngủ là một thành phần của nhiều bệnh lý tâm thần và các bệnh lý khác, nên chẩn đoán rối loạn mất ngủ mãn tính chỉ nên được xem xét khi triệu chứng mất ngủ nổi bật và cần được đánh giá và điều trị thêm.

1.2. Rối loạn mất ngủ ngắn hạn

Chẩn đoán rối loạn mất ngủ ngắn hạn phải đáp ứng các tiêu chí tương tự như chứng mất ngủ mãn tính ngoại trừ các triệu chứng đã xuất hiện dưới ba tháng. Loại mất ngủ này thường tự khỏi khi có tác nhân gây căng thẳng biến mất, hoặc khi bệnh nhân phát triển các cơ chế đối phó đầy đủ hoặc thích nghi với tác nhân gây căng thẳng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều này có thể tiến triển thành rối loạn mất ngủ mãn tính.

1.3. Rối loạn mất ngủ khác

Các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ khác bao gồm:

Nguyên nhân bệnh tâm thần:

  • Rối loạn trầm cảm: mất ngủ vào sáng sớm, nghĩa là dậy vào lúc 3-4 giờ sáng.
  • Rối loạn lo âu: khó đi vào giai đoạn ru giấc ngủ.
  • Mất ngủ hoàn toàn do cơn hưng cảm, trạng thái hoang tưởng, lú lẫn: rối loạn chu kỳ thức - ngủ và thường đưa đến tình trạng kích động ban đêm.

Nguyên nhân mắc các bệnh có thể đưa đến tình trạng mất ngủ:

  • Các chứng đau cấp và mãn tính, ví dụ: đau trong bệnh viêm khớp thường tăng vào ban đêm...
  • Các bệnh đường tiêu hóa: loét dạ dày tá tràng
  • Các bệnh tiết niệu: u tiền liệt tuyến, tiểu rắt, tiểu buốt...
  • Các bệnh nội tiết: tiểu đường, cường giáp...
  • Các bệnh tim mạch, hô hấp: suy tim, viêm phế quản, hen suyễn...
  • Các bệnh thần kinh: Bệnh Parkinson, Alzheimer, tai biến mạch máu não...

Nguyên nhân do thuốc và những chất kích thích:

  • Lạm dụng chất kích thích: cafe, thuốc lá, amphetamine, cocaine...
  • Lạm dụng rượu gây ra tình trạng dễ vào trạng thái ru ngủ nhưng sẽ giảm thời gian ngủ sâu, thức dậy sớm và không hồi phục sau khi thức dậy.
  • Một số thuốc như: Theophylline, Corticoid, thuốc chống trầm cảm tác dụng kích thích, các thuốc ngủ dùng trong thời gian dài.

Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân

2. Rối loạn nhịp thở liên quan đến giấc ngủ

Rối loạn này liên quan đến số lượng và chất lượng của trạng thái tỉnh táo trong ngày, biểu hiện: Ngưng thở trong giấc ngủ

2.1. Hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ

Các hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm nhiều giai đoạn đóng một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên xảy ra trong khi ngủ và dẫn đến ngừng thở (được định nghĩa là khoảng thời gian ngưng thở hoặc giảm thở > 10 giây) sau đó là kích thích và thở gấp. Triệu chứng có thể bao gồm buồn ngủ ban ngày quá mức, bồn chồn, ngủ ngáy, thức tỉnh lặp đi lặp lại và đau đầu buổi sáng. Chẩn đoán dựa trên bệnh sử và đa ký giấc ngủ. Điều trị bằng áp lực dương liên tục qua mũi, dụng cụ miệng, và trong các trường hợp bệnh dai dẳng, phẫu thuật. Tiên lượng là tốt với điều trị. Những bệnh nhân không được điều trị có nguy cơ bị tăng huyết áp, rung tâm nhĩ và các loạn nhịp tim khác, suy tim và chấn thương hoặc tử vong do tai nạn xe cơ giới và các tai nạn khác do chứng buồn ngủ quá mức.

Ngưng thở trung ương khi ngủ (CSA)

Ngưng thở khi ngủ do trung ương là do những thay đổi của trung khu hô hấp, trong khi ngủ phụ thuộc nhiều vào nồng độ carbon dioxit. Phân biệt hai cơ chế:

  • Ngưng thở khi ngủ do trung ương liên quan đến giảm thông khí: Giảm khả năng thông khí dẫn đến giảm tạm thời và/hoặc tạm dừng hô hấp.
  • Ngưng thở khi ngủ do trung ương liên quan đến tăng thông khí: Tăng khả năng thông khí trong khi ngủ dẫn đến giảm CO2 máu, gây ra sự giảm thông khí bù trừ, nếu kéo dài một cách bất thường, dẫn đến ngưng thở do trung ương tái phát suốt ngày đêm.

2.2.  Ngủ nhiều do thiếu ngủ

Ngủ quá nhiều hay còn được gọi là ngủ lâu hoặc chứng ngủ lịm. Theo nghiên cứu cho thấy, vấn đề này có xu hướng ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số trên thế giới. Những người mắc chứng ngủ quá nhiều có thể cần phải ngủ từ 10 – 12 giờ vào mỗi đêm mới cảm thấy đủ.

Những tác động từ cuộc sống bên ngoài, chẳng hạn như trách nhiệm trong công việc, gia đình khiến cho nhiều người không có thời gian để nghỉ ngơi. Điều này lâu dần sẽ tạo một cảm giác mệt mỏi quá mức cho họ, và khi họ có thời gian để nghỉ ngơi, họ có thể ngủ nhiều nhất tới 15 giờ vào mỗi lần.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc phải tình trạng ngủ quá nhiều nếu bạn thường xuyên bị thức dậy vào lúc nửa đêm. Những lần thức giấc này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến bạn cảm thấy ngủ không được sâu giấc và mệt mỏi khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau.

Thực chất, chứng ngủ lịm có thể bắt đầu ngay từ thời thơ ấu của một người. Bên cạnh đó, các yếu tố về lối sống hàng ngày cũng đóng một phần quan trọng đối với giấc ngủ. Nếu bạn thường xuyên ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ có xu hướng cố bù đắp lại bằng cách kích thích ngủ nhiều hơn.

Chưa hết, ngủ nhiều bất thường cũng có thể liên quan đến một số tình trạng sức khỏe sau, bao gồm:

  • Chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Bệnh tim.
  • Các vấn đề về tuyến giáp.
  • Chứng ngủ rũ.
  • Phiền muộn.
  • Ngủ nhiều do thuốc.

2.3. Chứng ngủ rũ

Thường gặp ở nam giới bắt đầu ở tuổi vị thành niên, có 4 triệu chứng phối hợp sau:

  • Những cơn ngủ gà trong ngày, thường xảy ra cùng một thời điểm đối với mỗi người bệnh và những cơn ngủ rũ bất ngờ xuất hiện, không thể cưỡng lại được.
  • Những cơn mất trương lực cơ bất chợt kéo dài trong một thời gian ngắn, sự giãn trương lực cơ này có thể toàn thân hoặc có thể khu trú ở một vài cơ quan như: gục đầu, khụy gối... thường xảy đến khi có xúc động.
  • Ảo giác thị giác, thính giác xảy đến trong giai đoạn ru giấc ngủ gây hoảng sợ.
  • Biểu hiện liệt trong giấc ngủ đặc trưng bởi sự mất hoàn toàn mọi cử động cơ bắp, không thể hít thở với biên độ bình thường, hiện tượng này xảy ra vào lúc tỉnh giấc.

Ngủ nhiều cũng là một loại rối loạn giấc ngủ

3. Những rối loạn nhịp sinh học ngày đêm

3.1. Hội chứng làm việc theo ca

  • Rối loạn làm việc theo ca và rối loạn lệch múi giờ là những loại rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học phổ biến nhất, mặc dù những rối loạn này không thường xuyên được chăm sóc y tế.
  • Rối loạn nhịp ngủ-thức không thường xuyên được đặc trưng bởi thiếu nhịp sinh học xác định rõ ràng về giấc ngủ và thức. Rối loạn này thường liên quan đến rối loạn phát triển ở trẻ em và người lớn làm việc theo ca ngày đêm không cố định và có sự luân phiên ca làm việc.

Thường xuyên mệt mỏi vào ban ngày và muốn có những giấc ngủ ngắn giữa ngày

3.2. Hội chứng pha sớm

Rối loạn giai đoạn ngủ-thức này được đặc trưng bởi thời gian ngủ và thức sớm theo thói quen so với thời gian thông thường. Một bệnh nhân điển hình ngủ sớm và thức dậy sớm một cách tự nhiên điều này dẫn đến nhu cầu ngủ sớm vào buổi tối. Rối loạn này không được báo cáo phổ biến, nhưng nó có nhiều khả năng được thường thấy ở người lớn tuổi.

3.3. Hội chứng nhịp ngày đêm dài

Hiện tượng nhịp ngày đêm dài hơn 24 giờ với sự khác biệt về thời gian ngủ khoảng 1 giờ mỗi ngày dẫn đến hiện tượng giai đoạn ru giấc ngủ ngày càng trễ. Ta có thể gặp những trường hợp mất ngủ cả đêm và trạng thái ngủ gà ban ngày.

3.4. Hội chứng pha trễ

Rối loạn giai đoạn ngủ-thức muộn được đặc trưng bởi thời gian ngủ và thức thường bị trì hoãn so với thời gian thông thường. Một bệnh nhân điển hình khó đi vào giấc ngủ và thức dậy muộn. Rối loạn này phổ biến hơn ở bệnh nhân trẻ tuổi. Nếu phải dậy sớm để đi làm thì người bệnh sẽ ngủ gà vào buổi sáng.

3.5. Thay đổi múi giờ

Hiện tượng mất ngủ xảy ra khi di chuyển sang những múi giờ khác nhau. Đầu tiên là mất ngủ giai đoạn ru ngủ khi di chuyển về phía đông và thức dậy sớm khi di chuyển vế phía tây, kết hợp với mệt mỏi, ngủ gà, đôi khi có sự rối loạn khí sắc. Rối loạn này kéo dài trong khoảng 1 tuần.

4. Những hiện tượng bất thường xảy đến trong giấc ngủ

4.1. Các rối loạn khi thức giấc

  • Trạng thái say: chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên, là tỉnh giấc ban trong trạng thái u ám, đôi khi bị rối loạn định hướng không gian thời gian, có những hành vi không phù hợp. Tình trạng lú lẫn này càng nặng khi xuất hiện vào lúc đầu giấc ngủ, thường người ta không nhớ gì, có thể kết hợp với rối loạn ngủ nhiều vô căn.
  • Miên hành (mộng du- Sleepwalking): thường xảy ra ở trẻ em, hiếm khi ở người trưởng thành. Đang ngủ bỗng thức giấc đi lang thang, có khi leo lên nóc nhà... thường phát sinh từ giai đoạn giấc ngủ sâu trong trạng thái ý thức thấp.
  • Những cơn hoảng loạn ban đêm: xuất hiện đầu đêm, hú hét lên ú ớ, rối loạn thần kinh thực vật, tim đập nhanh, thở mạnh, toát mồ hôi...không tỉnh dậy và quên không nhớ gì khi thức dậy.

Thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm

4.2. Các rối loạn khi chuyển từ thức sang ngủ

  • Giật mình: 60% dân số có cơn giật mình xuất hiện trong giai đoạn ru giấc ngủ, nhiều khi gây khó chịu, những cơn co cơ bất ngờ toàn thân hay một phần cơ thể.
  • Nói trong lúc ngủ: nói hoặc đôi khi là những câu đối thoại, hoàn toàn lành tính không cần điều trị.
  • Co cứng chi dưới khi ngủ: cơn co cứng cơ, rất đau đớn ở bắp chân và ở bàn chân làm gián đoạn giấc ngủ, thường xảy ra ở phụ nữ có thai hoặc phụ nữ lớn tuổi.

4.3. Các rối loạn trong giấc ngủ nghịch thường

  • Ác mộng: giấc mơ hãi hùng làm tỉnh giấc, còn nhớ những cảnh trong mơ nhưng không hoảng loạn ban đêm, sự lo sợ có thể cản trở người mơ ngủ lại.
  • Liệt khi ngủ: xuất hiện vào lúc thức giấc ban đêm, hiện tượng mất trương lực cơ trong vài giây khiến người bệnh không thể cử động được.
  • Rối loạn cương cứng trong khi ngủ: đau đớn xuất hiện lúc tỉnh giấc kèm theo sự cương cứng dương vật.
  • Rối loạn hành vi trong giấc ngủ nghịch thường: thường thấy ở nam giới trên 50 tuổi vì sự thiếu giai đoạn mất trương lực cơ sinh lý trong giai đoạn giấc ngủ nghịch thường, người bệnh sống và hành động cùng với giấc mơ của họ. Những hành động phức tạp, có khi là những hành động tấn công nguy hiểm.
  • Rối loạn trong giai đoạn giấc ngủ nông: chứng nghiến răng đặc trưng bởi sự co những cơ nhai làm cho răng bị mòn đi.

5. Bệnh mất ngủ giả

Bệnh mất ngủ là các hành vi thể chất không mong muốn (các cử động, hành vi phức tạp) hoặc trải nghiệm (cảm xúc, nhận thức, giấc mơ) xảy ra trong khi đi vào giấc ngủ, trong giấc ngủ hoặc trong các cơn kích thích từ giấc ngủ. Các hành vi quan sát được phức tạp hơn và có mục đích hơn so với hoạt động rập khuôn được thấy trong rối loạn vận động.

  • Các giai đoạn tỉnh táo không hoàn toàn lặp đi lặp lại liên quan đến các hành vi và / hoặc trải nghiệm bất thường.
  • Không đáp ứng hoặc đáp ứng không phù hợp.
  • Báo cáo hạn chế hoặc không có nhận thức hoặc giấc mơ.
  • Mất trí nhớ một phần hoặc toàn bộ sự kiện.

Các bệnh mất ngủ giả khác

- Các bệnh mất ngủ giả khác không có mối liên hệ cụ thể nào với giai đoạn ngủ. Chúng bao gồm: hội chứng đầu nổ tung, ảo giác liên quan đến giấc ngủ, đái dầm khi ngủ, mất ngủ do bệnh mất ngủ giả liên quan đến rối loạn y tế, mất ngủ do bệnh mất ngủ giả do thuốc hoặc chất gây nghiện và chứng mất ngủ không xác định.

6. Rối loạn chuyển động liên quan đến ngủ

Rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ được đặc trưng bởi những cử động đơn giản, rập khuôn làm rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân có thể nhận biết được hoặc không nhận biết được các chuyển động này.

Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ (ví dụ: mất ngủ, buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi) được yêu cầu để chẩn đoán rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ. Các chuyển động xảy ra trong khi ngủ nhưng không ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ hoặc chức năng ban ngày không được coi là một rối loạn chuyển động liên quan đến giấc ngủ.

Hội chứng chân không yên (RLS) cũng được bao gồm trong nhóm rối loạn này; tuy nhiên, rối loạn vận động khi thức dậy là triệu chứng chính. Rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ bao gồm:

  • Hội chứng chân không yên.
  • Rối loạn cử động chân tay định kỳ.
  • Chứng nghiến răng liên quan đến giấc ngủ.
  • Rối loạn chuyển động nhịp nhàng liên quan đến giấc ngủ.
  • Rung giật cơ khi ngủ lành tính ở trẻ sơ sinh.
  • Rung giật cơ tủy sống khi bắt đầu ngủ.
  • Rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ do thuốc hoặc chất gây nghiện.

7. Rối loạn ngủ khác

Danh mục này bao gồm các rối loạn giấc ngủ không thể được phân loại một cách thích hợp ở nơi khác trong ấn bản thứ ba của Bảng phân loại quốc tế về các rối loạn giấc ngủ (ICSD-3), do rối loạn này trùng lặp với nhiều loại hoặc khi không đủ dữ liệu được thu thập để thiết lập một chẩn đoán khác. Các rối loạn liên quan riêng đến xáo trộn môi trường cũng có thể được phân loại ở đây.

Tài liệu tham khảo:

Berry RB, Quan SF, Abreu AR, et al for the American Academy of Sleep Medicine. The AASM Manual for the Scoring of Sleep and Associated Events: Rules, Terminology and Technical Specifications, Version 2.6, www.aasmnet.org, American Academy of Sleep Medicine, Darien, IL 2020.

Để đặt hàng, quý khách vui lòng đặt trực tiếp TẠI ĐÂY. Hãy bảo vệ sức khỏe theo cách của bạn.

 

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo