Giảm sốc thiết vị bếp
Trẻ em bị hôi miệng là bệnh gì?
20-05-2023 10:06:44 | Bệnh răng miệng

Hôi miệng là vấn đề thường gặp ở trẻ em khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Hôi miệng có thể xảy ra tạm thời hoặc cũng có thể đó là biểu hiện của các bệnh lý răng miệng hoặc bệnh lý toàn thân. Cùng tìm hiểu trẻ em bị hôi miệng là bệnh gì qua bài viết dưới đây.

1. Tình trạng hôi miệng ở trẻ em

Hôi miệng ở trẻ là tình trạng miệng trẻ có mùi hôi, người xung quanh dễ nhận biết mùi khó chịu này khi trẻ thở ra bằng miệng hoặc khi nói, cười. Hôi miệng là có thể là biểu hiện bất thường liên quan đến sức khỏe, ảnh hưởng đến giao tiếp và cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Trẻ hôi miệng có thể kèm theo một số triệu chứng khác như:

  • Khô miệng.
  • Cảm giác có vị chua trong miệng.
  • Lưỡi bẩn trắng.
  • Chảy máu răng, nướu.

2. Trẻ em bị hôi miệng là bệnh gì

Nguyên nhân hàng đầu khiến miệng bé có mùi hôi là do sự giải phóng các hợp chất sulphur do vi khuẩn kỵ khí gram âm cư trú trong khoang miệng của trẻ (túi nha chu, lưỡi, kẽ răng hay sâu răng). Các chất này có mùi khó chịu và rất dễ bay hơi.

Cho trẻ đi khám nha khoa nếu thấy trẻ bị hôi miệng

2.1. Miệng trẻ có mùi hôi do chế độ ăn uống

Miệng bé bị hôi có thể là tình trạng tạm thời do một số thực phẩm “tạo mùi” mà trẻ ăn hoặc uống. Các loại thực phẩm giàu protid (như thịt đỏ, cá, phô mai...) thủy phân trong khoang miệng khi trẻ nhai sẽ giải phóng ra một số chất trong đó có hợp chất sulphur, khiến miệng trẻ có mùi hôi. Chế độ ăn ít carbohydrate cũng có thể là nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ.

Một số thực phẩm khác như hành, tỏi, hay các loại gia vị mạnh chứa hàm lượng sulphur cao sẽ được hấp thu vào máu sau khi ăn, bài tiết dần qua phổi và ra ngoài qua hơi thở gây nên tình trạng hôi miệng.

Tình trạng hôi miệng tạm thời do thực phẩm sẽ hết sau một thời gian khi trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

2.2. Trẻ hôi miệng liên quan đến các vấn đề trong khoang miệng

  • Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng không đúng cách khiến thức ăn thừa đọng lại ở các khe giữa răng và nướu, trên bề mặt răng hay các gai trên bề mặt lưỡi,... tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong khoang miệng phát triển và sinh ra mùi hôi khó chịu. Vệ sinh miệng có ý nghĩa rất quan trọng để tránh mùi hôi ở miệng, ngay cả khi trẻ chưa mọc răng. Trẻ nên được đánh răng ngay khi xuất hiện răng sữa đầu tiên. Khi trẻ đủ lớn cần hướng dẫn cho trẻ tự đánh răng và tập thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày.
  • Khô miệng: Khô miệng là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ miệng bé có mùi hôi. Tình trạng khô miệng có thể là hậu quả của việc thở bằng miệng do trẻ bị nghẹt mũi, do ngáy khi ngủ, hoặc do trẻ có thói quen mút ngón tay, ngậm đồ chơi... Khô miệng tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển và gây hôi miệng ở trẻ. Do đó, để hạn chế tình trạng này, cần tập cho trẻ thói quen thở bằng mũi hoàn toàn, không để trẻ mút tay và cho trẻ uống đủ nước hàng ngày.
  • Sâu răng: Sâu răng là bệnh lý thường gặp ở trẻ do chải răng không đúng cách hay chế độ ăn giàu glucid, gây nên tình trạng hôi miệng. Tình trạng này chỉ được cải thiện khi trẻ được điều trị bệnh sâu răng và vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách.
  • Bệnh nha chu: Bên cạnh sâu răng thì bệnh nha chu cũng là tình trạng viêm răng miệng thường gặp. Các mảng bám răng nếu không được loại bỏ hoặc loại bỏ không đúng cách có thể gây viêm nướu răng và dẫn đến tình trạng hôi miệng ở trẻ.
  • Các nhiễm trùng răng miệng khác: Các nhiễm trùng răng, viêm nướu hoại tử lở loét, viêm quanh thân răng... hay áp xe răng, nhiễm nấm Candida vùng miệng đều có thể khiến cho miệng bé có mùi hôi.
  • Viêm xương hàm: Hôi miệng cũng có thể là hậu quả của tình trạng viêm ổ răng, viêm xương hàm hay hoại tử xương...
  • Lệch khớp cắn: Lệch khớp cắn khiến cho răng hàm bị lệch, tạo điều kiện cho sâu răng phát triển giữa các kẽ răng và có thể làm cho chứng hôi miệng trở nên trầm trọng hơn.
  • Tổn thương ác tính vùng răng miệng: Các khối u vùng răng miệng sùi loét, chảy máu có thể là nguyên nhân hôi miệng, tuy nhiên ít gặp ở trẻ.

2.3. Các bệnh lý toàn thân khiến miệng trẻ có mùi hôi

  • Dị vật trong mũi: Tính hiếu động, tò mò có thể khiến trẻ nhét vật lạ vào trong mũi. Có thể dị vật này không rơi vào đường tiêu hóa, đường hô hấp gây nguy hiểm nhưng đôi khi có thể bị “bỏ quên” ở mũi gây ra tình trạng nhiễm trùng mũi và gây hôi miệng ở trẻ.
  • Bệnh lý tại VA, amidan: Thức ăn có thể tích tụ lại ở các hốc rãnh trong amidan/ VA, nhất là ở những trẻ bị viêm amidan mủ hay phì đại VA/ amidan, khiến miệng bé có mùi hôi.
  • Bệnh lý đường hô hấp: Viêm mũi, viêm xoang, hen, rối loạn hô hấp... có thể là nguyên nhân khiến trẻ hôi miệng.
  • Bệnh lý đường tiêu hóa: Miệng trẻ có mùi hôi kéo dài có thể là biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày do HP...
  • Các bệnh lý toàn thân khác: Đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan... cũng có thể gây ra tình trạng hôi miệng ở trẻ.

2.4. Các nguyên nhân khác khiến miệng bé có mùi hôi

  • Thuốc:
    • Một số loại thuốc gây khô miệng như: Thuốc an thần, thuốc kháng histamin hay thuốc điều trị bệnh lý thần kinh có thể làm giảm sản xuất nước bọt, gây khô miệng và hôi miệng ở trẻ.
    • Một số kháng sinh nếu sử dụng quá mức và không hợp lý có thể ảnh hưởng đến các vi khuẩn có lợi trong khoang miệng và tạo cơ hội cho nấm phát triển. Sử dụng kháng sinh kéo dài có thể khiến trẻ bị hôi miệng.
  • Hút thuốc lá thụ động: Những người xung quanh hút thuốc lá có thể khiến trẻ chịu ảnh hưởng thụ động của thuốc lá, khiến hơi thở của trẻ có mùi hôi.

3. Cách khắc phục và phòng ngừa trẻ bị hôi miệng

Để khắc phục tình trạng hôi miệng ở trẻ, việc đầu tiên cần quan tâm là vấn đề chăm sóc răng miệng. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước, hạn chế thở bằng miệng để tránh tình trạng khô miệng, để miệng sản xuất nước bọt nhiều hơn sẽ giảm sự phát triển của vi khuẩn. 

Dưới đây là một số cách hiệu quả cha mẹ có thể áp dụng để khắc phục nhanh tình trạng hôi miệng ở trẻ:

  • Lựa chọn bàn chải đánh răng trẻ yêu thích, hướng dẫn tạo cho trẻ thói quen đánh răng thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ và đúng cách sau mỗi bữa ăn.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, tập thói quen uống nước thường xuyên để tránh tình trạng khô miệng, tăng sản xuất nước bọt.
  • Vệ sinh rơ lưỡi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh bằng dụng cụ làm sạch đúng cách, tránh gây tổn thương thêm cho trẻ.
  • Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ cặn thức ăn thừa dính ở kẽ răng của trẻ do vệ sinh răng miệng không hết.
  • Thay bàn chải đánh răng mỗi 3 tháng một lần cho trẻ để tăng hiệu quả làm sạch.
  • Khử trùng, làm sạch núm vú giả thường xuyên khi trẻ sử dụng.
  • Lựa chọn kem đánh răng phù hợp mà trẻ yêu thích, trẻ sẽ chăm chỉ vệ sinh răng miệng hơn.

Nên tập thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ

Nhiều cha mẹ lựa chọn cho trẻ sử dụng nước súc miệng thay cho việc vệ sinh răng miệng bằng bàn chải, song điều này là không nên. Nước súc miệng thường chỉ chứa cồn, nước và các tinh chất tạo mùi, không giúp làm sạch hiệu quả. Nếu không làm sạch tốt mà chỉ sử dụng nước súc miệng, về lâu dài hơi thở có mùi hôi của trẻ còn nặng hơn, đồng thời gây ra tình trạng khô miệng.

Tóm lại, hôi miệng có thể là biểu hiện của những bệnh lý tại chỗ hoặc toàn thân. Trẻ bị hôi miệng cần được thăm khám để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm tại chỗ, toàn thân và có kế hoạch điều trị, chăm sóc hợp lý. Vệ sinh răng miệng có thể giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng hôi miệng ở trẻ.

Để đặt hàng, quý khách vui lòng đặt trực tiếp TẠI ĐÂY. Hãy bảo vệ răng miệng theo cách của bạn.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, mayoclinic.org, kidshealth.org

 

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo