Giảm sốc thiết vị bếp
Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và các phương pháp điều trị
30-05-2024 11:17:54 | Bệnh xương, khớp

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh lý liên quan đến thần kinh cơ xương khớp có thể gặp ở cả người trẻ lẫn người già, gây cảm giác đau ở vùng quanh cổ. Khi có những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế khám tránh dẫn đến tình trạng liệt do thoát vị đĩa đệm cổ.

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài bao xơ, gây chèn ép rễ thần kinh vùng cổ và tủy cổ, gây cho bệnh nhân cảm giác đau đớn, đau lan dọc theo dây thần kinh vùng cổ đến vùng cánh tay, bàn tay và ngón tay.

Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân trên 40 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường diễn ra sớm vì tại vị trí các đốt sống cổ thì hệ thống thần kinh và mạch máu đĩa đệm nơi đây vô cùng nghèo nàn, ít được nuôi dưỡng nhiều nên sự lão hóa xảy ra rất sớm dẫn đến tình trạng nhân nhầy thoát ra ngoài bao xơ.

Cơ chế bệnh sinh của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được giải thích theo 3 cơ chế như sau:

  • Thoái hóa đĩa đệm do tuổi, do lão hóa hoặc do chịu áp lực từ phần đầu.
  • Thoái hóa đĩa đệm do một số bệnh lý về chuyển hóa, miễn dịch và cơ học gây ra.
  • Thoái hóa đĩa đệm do di truyền.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động vùng cổ vai gáy

2. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Một số dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đó là:

  • Bệnh khởi phát với triệu chứng đau nhức mỏi vùng cổ, hạn chế vận động, cơn đau thường xuất hiện nhiều hơn vào khoảng thời gian vừa mới ngủ dậy.
  • Đau, co cứng cơ cạnh cột sống cổ, đau tăng lên khi bệnh nhân thực hiện những động tác như cổ thẳng hoặc cúi người lâu.
  • Ấn vào những điểm cạnh cột sống cổ đau.
  • Đau nhiều vùng gáy, có thể lan lên trên hoặc lan xuống dưới, cảm giác rát bỏng kèm theo, có thể đau nông hoặc đau sâu, cơn đau tăng lên khi vận động khiến bệnh nhân hạn chế những cử động gấp, duỗi, xoay hoặc nghiêng.
  • Đau kiểu rễ thần kinh cổ, đau tăng khi bệnh nhân gắng sức, tê bì vùng bàn tay và ngón tay, có thể đau 1 bên hoặc cả 2 bên.
  • Nhức đầu, đặc biệt là nhức đầu vùng chẩm, vùng thái dương, vùng trán và 2 bên hốc mắt, ngoài ra còn có thể chóng mặt, ù tai, giảm thị lực, nuốt khó, đau vùng tai và vùng sau tai được gọi là hội chứng động mạch đốt sống
  • Bệnh nhân đi không vững, dị cảm, teo cơ chi trên, yếu liệt chi trên hoặc chi dưới trong hội chứng chèn ép tủy, bệnh nhân có rối loạn cơ tròn và phản xạ gân xương thường tăng trong những trường hợp này.

3. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Bên cạnh, những dấu hiệu lâm sàng của thoát vị đĩa đệm cổ thì các kỹ thuật cận lâm sàng cũng góp phần chẩn đoán bệnh lý này, bao gồm những đặc điểm cận lâm sàng như sau:

  • Chụp X quang cột sống cổ ở những tư thế thẳng, nghiêng hoặc chếch 3⁄4 thì thấy hình ảnh mất đường cong sinh lý, xuất hiện những gai xương đốt sống cổ, hình ảnh đặc xương dưới sụn biểu hiện của áp lực đè ép lên xương, lỗ liên hợp bị thu hẹp.
  • Chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ cho những đánh giá về chèn ép rễ thần kinh cũng như chèn ép những tổ chức trong ống sống
  • Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ thấy chiều cao đĩa đệm cột sống cổ bị thoát vị có giảm đi so với những đĩa đệm bình thường, xương dưới sụn có những dấu hiệu bất thường, đặc biệt phương pháp này cho phép các bác sĩ điều trị có thể xác định được vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống cổ từ đó có thể tiến hành phẫu thuật lấy nhân đệm trong những trường hợp cần thiết.

Chụp X quang cột sống cổ

4. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

4.1. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng nội khoa 

  • Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, làm mềm cơ, giảm đau thần kinh;
  • Tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nặng thì sẽ được điều trị bằng Corticoid kết hợp với vật lý trị liệu;
  • Trong đó, vật lý trị liệu tập phục hồi chức năng sẽ bao gồm các phương pháp như: Sóng ngắn, sóng dài, siêu âm, xoa bóp, kéo dãn cột sống cổ. Để chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hiệu quả và tránh chấn thương thì người bệnh: Không nên tự kéo giãn và không thực hiện tại nơi không có giấy phép về tập phục hồi chức năng.

4.2. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng ngoại khoa 

Sau 4-14 tuần điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng không có hiệu quả thì người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nên chuyển sang điều trị ngoại khoa (mổ cột sống nội soi, mổ cột sống mở).

Rủi ro khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống bao gồm rủi ro từ quá trình gây mê toàn thân như tổn thương não, đột quỵ, đau tim, đau họng, buồn nôn, ớn lạnh, khô miệng, tổn thương não,… Ngoài ra, cuộc phẫu thuật có thể gây rối loạn đông máu, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến thần kinh và đau nhức nghiêm trọng hơn.

Do đó, với trường hợp cần điều trị ngoại khoa, bệnh nhân nên đi khám tại cơ sở chuyên khoa, chẩn đoán chính xác vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống cũng như tình trạng bệnh, dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó sẽ xem xét có can thiệp ngoại khoa trực tiếp vào khu vực gặp vấn đề hay không.

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng phương pháp ngoại khoa có thể tiềm ẩn một số rủi ro như: đột quỵ, tổn thương não, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh,...

4.3. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng trị liệu thần kinh cột sống kết hợp với vật lý trị liệu

Hiện nay, điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu,… là an toàn và hiệu quả lâu dài, thay cho dùng thuốc hay phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi luyện tập phù hợp, dần dần bệnh nhân có thể được nắn chỉnh lại cấu trúc cột sống bị sai lệch về đúng vị trí, đồng thời giải phóng dây thần kinh bị chèn ép.

Vật lý trị liệu có thể đánh giá và giải quyết các bất thường về tư thế và vận động bù trừ. Vật lý trị liệu chủ yếu bao gồm các bài tập kéo dài và uốn cong cột sống với trọng tâm là ổn định cốt lõi và tăng cường cơ bắp. Đặc biệt, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể được điều trị các bài tập ổn định cốt lõi tập trung vào cơ bụng dưới, thắt lưng, gân kheo và cơ gấp hông, có thể cải thiện tạm thời hoặc vĩnh viễn các triệu chứng và cải thiện chức năng chung.

Vật lý trị liệu đem lại kết quả điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống khá tốt

Khi tình trạng này được cải thiện, triệu chứng sẽ thuyên giảm tận gốc, an toàn và không gây tác dụng phụ. Ngoài ra, một số phương pháp tác động khác điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống có hiệu quả khá tốt gồm: xoa bóp, châm cứu, điều trị bằng siêu âm, nắn chỉnh cột sống, kích thích điện,…

Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cũng cần lưu ý điều chỉnh tư thế ngồi, đi, đứng,… sao cho phù hợp để giảm đau, giảm tiến triển bệnh.

Lựa chọn phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh, vị trí đốt sống bị thoái hóa. Phương pháp vật lý trị liệu, luyện tập kết hợp với dùng thuốc giảm đau thường được chỉ định, song thuốc giảm đau, giảm triệu chứng không nên dùng kéo dài. Tốt nhất bệnh nhân hãy đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tránh biến chứng bệnh xảy ra.

Trường hợp xuất hiện các cơn đau cổ vai gáy hoặc đau cổ vai gáy lan xuống tay sau khi hoạt động sai tư thế thì có thể điều trị bằng cách:

  • Nằm trên giường hoặc tấm ván cứng;
  • Gối đầu bằng gối không quá cao;
  • Nẹp cổ;
  • Sử dụng thuốc giảm đau (nếu không bị dị ứng);

5. Khi nào nên phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ?

  • Khi khối thoát vị chèn ép tủy và rễ thần kinh cổ nặng, đau tê tay, yếu tay chân; đã sử dụng thuốc và vật lý trị liệu nhưng bệnh vẫn nặng lên thì bạn cần phải phẫu thuật. Có 2 cách phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm, hàn liên thân đốt, cố định đốt sống bằng nẹp vít có sử dụng miếng nhựa đặc biệt chèn vào giữa hai thân đốt sống (không phải đĩa đệm nhân tạo).
  • Nếu có chỉ định mổ thay đĩa đệm nhân tạo thì dụng cụ đó vẫn cho phép cúi ngửa, xoay cổ được. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật phải được cân nhắc kỹ lưỡng cho từng người bệnh cụ thể. Bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường khó hồi phục hơn so với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng vì vừa liên quan đến các rễ thần kinh vừa liên quan đến tủy sống, nên rất dễ dẫn đến tình trạng yếu liệt tứ chi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nào thì người bệnh không nên có tâm lý chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán xác định và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org

đăng ký nhận tư vấn
Giỏ Hàng 0916 893 886 Messenger Chat Zalo